Chồng bất ngờ bị tai biến, dẫn đến liệt nửa người. Người vợ ốm yếu gồng mình đến kiệt sức, thì gia đình 5 nhân khẩu vẫn phải chạy ăn từng bữa. 2 đứa trẻ lớp 8 và lớp 2 đứng trước nguy cơ thất học.
Đó là tình cảnh bi đát của gia đình chị Vi Thị Phẻn (41 tuổi, trú ở thôn Bình Nội, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
Trên đường dẫn chúng tôi tới thăm gia đình người phụ nữ dân tộc Nùng nghèo khó này, anh Vy Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hoàn cảnh nhà chị Phẻn thực sự quá éo le. Người chồng đang là trụ cột gia đình, đột nhiên lăn ra ốm giờ liệt nửa người, mất hoàn toàn khả năng lao động.
Đứa con gái lớn thì thiểu năng trí tuệ, năm nay 16 tuổi rồi vẫn không thể tự vệ sinh cá nhân được. Chị Phẻn sau nhiều năm gồng gánh chồng con, giờ sức yếu không lao động nặng được nên gia đình cứ phải chạy ăn từng bữa. Chưa biết bao giờ gia đình chị ấy mới thoát được cảnh hộ nghèo. Cũng vì vậy, mà 2 đứa con của anh chị ấy đang học lớp 2 và lớp 8 có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng…”.
Đang là trụ cột gia đình, anh Lăng Văn Bình đột nhiên bị tai biến dẫn đến liệt nửa người, mờ mắt, mất hoàn toàn khả năng lao động.
Đi hết con đường đất, căn nhà trống hoác của chị Phẻn hiện ra trước mặt. Đưa mắt nhìn một lượt nơi ở của gia đình người phụ nữ khốn khó, tôi không khỏi ái ngại. Bởi, tất cả những gì gọi là “tài sản” của họ chỉ là 1 chiếc giường gỗ cũ, mấy cái nồi nhôm bám đầy muội đen cáu bẩn, vài bộ quần áo rách tả tơi vắt bừa bộn trên chiếc dây phơi ở giữa nhà.
Người phụ nữ nghèo tỏ vẻ ngại ngùng khi mời khách ngồi lên chiếc giường ọp ẹp, với những thanh dát giường không còn nguyên vẹn. Giọng chị lí nhí: “Các bác ngồi tạm ở đây, cẩn thận kẻo ngã. Nhà em không có bàn ghế, cũng chẳng có cốc chén để mời các bác uống nước…”
Nói rồi, chị Phẻn xoắn chặt hai bàn tay nứt nẻ vào nhau, nhìn đăm đăm xuống nền nhà ẩm mốc, nước mắt ứa ra ướt nhèm gương mặt lam lũ. Có lẽ, người phụ nữ tội nghiệp đã không thể kìm được cảm xúc, khi nghĩ về những ngày tháng cơ cực mà gia đình chị đã phải trải qua, và một tương lai đầy u ám chờ đón phía trước.
Chị Phẻn buồn bã cho biết, năm 2006 đôi vợ chồng nghèo đón đứa con gái đầu lòng (Lăng Thị Thanh Hằng- PV). Lúc ra đời Hằng cũng giống như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng càng lớn Hằng càng có nhiều biểu hiện của một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ… Giờ đã 16 tuổi, nhưng cô bé ngờ nghệch này cũng chỉ bập bẹ nói được vài từ đơn giản, không tự chủ được vệ sinh cá nhân..
Để trang trải cuộc sống và thi thoảng đưa đứa con thiểu năng trí tuệ đi bệnh viện, gia đình chị Phẻn chỉ biết trông chờ vào 5 sào đất đồi cằn cỗi và tiền công phụ hồ của người chồng. Nhưng tai họa bất ngờ giáng xuống người đàn ông trụ cột gia đình, và đẩy họ vào cơn cùng quẫn không lối thoát.
“Năm 2011, trong khi đang vác gạch tự dưng chồng em ngã vật ra bất tỉnh. Đến bệnh viện thì bác sĩ cho biết anh ấy bị tai biến mạch máu não. Đến nay sau hơn 10 năm chạy chữa, nhưng chồng em vẫn bị liệt nửa người, đôi mắt bị mờ đục nhìn không rõ nữa… “, chị Phẻn thổn thức nói.
Người chồng vốn làm lụng nuôi cả nhà nay ngồi một chỗ, để lại món nợ lớn cho vợ con. Lúc này, gánh nặng cuộc sống đè nặng lên đôi vai gầy của người vợ. Phát cây, phun thuốc sâu, làm cỏ, phụ hồ…, ai thuê làm bất cứ việc gì là chị Phẻn cũng chẳng từ nan. Người phụ nữ khốn khó cóp nhặt, tằn tiện từng đồng lẻ để nuôi con, mua thuốc cho chồng.
Bữa cơm “đạm bạc”… đến nhói lòng của những phận đời khốn khó.
Nhưng sức người có hạn, sau khi sinh đứa con thứ 3 (bé Lăng Minh Phi, SN 2014), sức khỏe của chị Phẻn dần suy giảm. Các căn bệnh như sỏi thận, thoát vị địa đệm, viêm đa khớp đổ ập xuống người phụ nữ nghèo. Không có tiền đi viện, chị Phẻn đành nghiến răng chịu đau nằm liệt giường cả tháng trời không ra khỏi nhà.
“Cả 2 vợ chồng nằm liệt giường, trong nhà không còn hạt gạo nào. Khi ấy chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ phải cứu trợ thì các cháu mới có cái ăn. Nhưng mình cứ sống mãi như vậy sao được. Giờ không còn sức khỏe như trước, thì ngày nào đỡ đau em đi làm mì gạo cho một bác gần nhà, cũng được vài chục ngàn mua được bơ gạo và bó rau cho bố con nó sống qua ngày.
2 đứa trẻ hiếu học này có nguy cơ phải dang dở việc học hành, bởi hoàn cảnh gia đình các em quá khó khăn.
Em định cho 2 đứa nghỉ học, con bé lớp 8 đi làm thuê cùng với mẹ. Em biết như vậy là có lỗi với 2 đứa. Nhưng, giờ khó khăn quá em không biết phải tính làm sao…”, nói rồi, chị Phẻn lặng lẽ kéo vạt áo lên lau nước mắt.