Ở làng quê thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, không ai không biết gia đình ông Võ Thanh Vân (61 tuổi) và bà Trần Thị Ngọc (60 tuổi).  Đôi vợ chồng khó nghèo này có 6 người con nhưng có tới 4 người đã tốt nghiệp đại học, 1 người sắp ra trường và người con út chuẩn bị tiếp bước theo các anh của mình.

Ngôi nhà ông Vân nằm cuối thôn, gần sát mép sông Trà Bồng. Nói là nhà chứ thật ra chỉ là một căn lều tạm bợ, rộng chừng hơn 20 m2. Nền đất gồ ghề, ẩm thấp. Vài khúc cây sần sùi, yếu ớt đỡ lấy mái tôn chắp vá. Đủ loại vật liệu từ bao bì phân bón đến những tấm liếp, áo mưa mộc cũ ghép chằng chịt lên nhau vẫn không thể che kín các bức tường quanh căn chòi. Bên trong, mọi vật dụng sinh hoạt quá ư giản đơn, ngả màu thời gian.

Nghèo thế, nhưng mấy người con của ông bà lần lượt vào đại học chính quy hẳn hoi. Con cái càng học lên cao, gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên đôi vai nhọc nhằn. Ngày đứa con đầu tiên đậu đại học cũng là ngày “tâm trạng” nhất của vợ chồng ông Vân. Mừng vui chỉ trong thoáng chốc, nỗi lo lại ập đến. Mẹ ông (nay đã qua đời) phải tất tả đi mượn 2 chỉ vàng của một người trong dòng tộc để giúp cháu ăn học. Cứ sau mỗi kỳ tuyển sinh, ông bà Vân lại phải gồng mình với một nỗi lo mới.

Các con của ông Vân: Võ Thanh Long (sinh năm 1976), Võ Thanh Sơn (1978), Võ Thanh Hùng (1980) cùng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng; Võ Thanh Vỹ (1982) tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng; Võ Thanh Đại (1984) đang học năm cuối ĐH Bách khoa TP.HCM; Võ Thanh Vương (1990) đang học trường THPT huyện Bình Sơn. Hiện 5 người con của ông Vân đang làm việc tại TP.HCM, Gia Lai, Kon Tum…

Không có tiền mua cá, thịt, bà Ngọc cặm cụi làm mắm dứa (từ quả thơm). Mắm nhiều đến nỗi, gia đình ông bà ăn liền mấy tháng trời không hết. Dù cố dành dụm từng đồng, nhưng nguồn thu nhập cỏn con từ ruộng vườn vẫn không lo xuể. Vật liệu để xây nhà mà vợ chồng ông lần lữa mua từ ngày cưới cũng “đội nón ra đi”, không còn lại thứ gì. Thế mà ông bà Vân không một lời than vãn. Những hôm khuya khoắt, ông bà rỉ tai nhau hy vọng về tương lai con cái: “Đời mình đã chịu nhiều cực khổ, gắng thêm một chút cũng không sao, mong cho con kiếm cái chữ để sống với đời, không tủi thân là phận nhà nghèo lại thất học”.

Thấy các con của ông bà Vân tốt nghiệp cầm tấm bằng đại học trở về, nhiều người vẫn không tin vào mắt mình. Cơ hàn là thế, sao lũ nhỏ có thể vượt qua được?

Ông Vân chẳng lấy làm tự hào khi chuyện trò cùng tôi về con cái của mình. Ông bảo bây giờ, những tháng ngày cùng cực nhất cũng đã sắp trôi qua. Con cái được như thế cũng là nhờ cậy xóm làng nhiều. Ông Vân ngậm ngùi: “Con cái đi học xa, không về thì thấy nhớ. Khi con về, bao nỗi dằn vặt quặn thắt trong lòng vì chẳng biết kiếm đâu ra tiền để đưa cho con đóng học phí.

Những lúc ấy, bà con lối xóm hay tin đã cầm tiền người ít người nhiều cho vợ chồng tui vay mượn. Chẳng ai đặt ra điều kiện này nọ gì cả. Dường như họ thấu hiểu hết, đồng cam cộng khổ với gia đình mình”. Tôi hỏi: “Sao bác không cho con cái đi học nghề để bớt phần gian khó?”. Ông Vân phân trần: “Đứa nào học cũng giỏi, thi đậu mà mình không cho đi học, sau này con trách cứ. Nghĩ riết một hồi rồi cũng nhắm mắt làm liều luôn, tới đâu hay tới đó”.