Rất nhiều khách hàng đã kéo tới đây để trải nghiệm món ăn của một thạc sĩ danh giá sẽ có gì khác biệt.

Một quầy bán hàng rong ở Tây An, Trung Quốc lúc nào cũng trong tình trạng vô cùng đông khách. Món ăn được bán tại đây chính là “lou-mei”, một loại thức ăn đường phố được chế biến từ nội tạng và thịt om.

Thế nhưng, điều hấp dẫn mọi người không chỉ là món ăn, mà còn là danh tính của người chủ quầy hàng.

Không giống những quầy hàng khác thường do các cô chú “đứng tuổi” quản lý, quầy hàng “lou-mei” này thuộc về Vương Tích, một thanh niên khá trẻ tuổi. Điều đặc biệt nhất chính là anh sở hữu tấm bằng Thạc sĩ ngành Vật lý hàng thật giá thật của Đại học Tây Bắc.

Thạc sĩ trường danh giá vẫn đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập: Nhân tài dù làm nghề nào cũng có thể trở nên xuất sắc - Ảnh 1.

Quầy hàng rong đông đúc của anh Vương. Ảnh: Weibo

Đại học Tây Bắc (Northwest University) vốn thuộc Top 100 trường đại học trọng điểm thuộc dự án 211, được Trung Quốc tập trung xây dựng trong thế kỷ 21. Dự án này được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học, hướng tới cách mạng kĩ thuật thế giới mới thế kỷ 21.  Đây là chính sách cải cách được thực hiện với quy mô lớn nhất từ xưa tới nay trong lĩnh vực giáo dục cao cấp của đất nước tỷ dân.

Tất cả các trường thuộc danh sách “Dự án 221” đều là những trường trọng điểm, có thế mạnh cũng như thành tích đào tạo vô cùng xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau. Điều kiện xét tuyển của các trường này đều rất khắt khe, đòi hỏi sự nỗ lực học tập không ngừng của sinh viên và chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra vô cùng được chú trọng.

Do đó, hình ảnh một thạc sĩ tốt nghiệp từ nhóm trường trọng điểm 211 đứng bán hàng rong đã thu hút đông đảo sự chú ý. Đoạn video clip về ông chủ thạc sĩ còn được đăng tải và lan rộng trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc.

Thạc sĩ trường danh giá vẫn đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập: Nhân tài dù làm nghề nào cũng có thể trở nên xuất sắc - Ảnh 2.

Hình ảnh một thạc sĩ tốt nghiệp từ nhóm trường trọng điểm 211 đứng bán hàng rong đã thu hút đông đảo sự chú ý. Ảnh: Weibo

Sau khi xem video, nhiều người tò mò về Vương Tích nên đã tìm đến tận nơi để trải nghiệm món lou-mei do một thạc sĩ chế biến.

Vương Tích cho biết, bản thân đang có một công việc bán thời gian khác với thu nhập ổn định. Đặc biệt, anh đang cùng một người bạn của mình đang có kế hoạch khởi nghiệp và mọi thứ đang tiến triển như dự định. Bản thân anh chỉ mở quầy bán lou-mei vì cảm thấy vui vẻ khi thực hiện công việc luôn tay luôn chân như vậy.

Anh Vương cho biết, mình chưa bao giờ che giấu thân phận hay học vấn của bản thân, chỉ là không định khoe khoang. Nếu mọi người tò mò hỏi han, anh vẫn thành thật chia sẻ. Dường như điều đó trở thành một nét “hấp dẫn đặc biệt” với các vị khách, khiến họ cảm thấy gắn bó và muốn quay lại quầy hàng của anh hơn.

Thạc sĩ trường danh giá vẫn đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập: Nhân tài dù làm nghề nào cũng có thể trở nên xuất sắc - Ảnh 3.

Dù công việc là gì, Vương Tích luôn rất chăm chỉ và tận tâm trong từng chi tiết. Ảnh: Weibo

Tuy vậy, sự nổi tiếng cũng đi kèm với một số rắc rối. Trên mạng xã hội, đã có một cuộc tranh cãi nhỏ nổ ra. Nhiều người cho rằng anh không những lãng phí tài năng của mình, mà còn đang tranh giành công việc phổ thông của những người có trình độ thấp hơn.

Trước những ý kiến này, ông chủ của chiếc xe lou-mei cho rằng, bán hàng rong không phải là lãng phí nhân tài, bởi theo anh, công việc nào cũng đáng quý nếu đầu tư và chăm chỉ.

Hơn nữa, món lou-mei của Vương Tích được chính anh nghiên cứu suốt 3 tháng để tìm ra công thức riêng, mang hương vị khác những xe hàng rong bán cùng mặt hàng.

Thạc sĩ trường danh giá vẫn đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập: Nhân tài dù làm nghề nào cũng có thể trở nên xuất sắc - Ảnh 4.

Anh cẩn thận nghiên cứu mỗi món ăn để đem lại hương vị khó quên nhất cho khách hàng. Ảnh: Weibo

Điều này khiến người ta nhớ lại câu chuyện về anh Du Yang, một thạc sĩ Luật kinh tế quốc tế của một trường đại học danh tiếng tại Trung Quốc, cũng phải hành nghề xe ôm để kiếm thêm thu nhập, vào năm 2021.

Ban đầu, nhiều người cũng tỏ ra chế nhạo, cho rằng Du lãng phí bằng cấp và học vấn của mình. Tuy vậy, chứng kiến cách làm độc đáo khi anh vừa chạy xe ôm, vừa thăm thú các địa điểm thú vị ở thành phố, thậm chí còn dịch lại một bài thơ mô tả các cảnh đẹp qua tiếng Anh, bắt đầu có người khen ngợi tinh thần dũng cảm của Du.

Không phải bất cứ thạc sỹ nào cũng dám gác lại tấm bằng danh giá của mình để chuyển sang nghề xe ôm.

Du Yang cũng rất bình tĩnh đối mặt: “Công việc này không hề nhục nhã chút nào. Một người có kiến thức có thể làm việc trong bất kỳ ngành nào. Khi trải qua nốt trầm trong sự nghiệp của mình, chính lựa chọn này đã giúp tôi duy trì thu nhập, nuôi sống gia đình.”

Thạc sĩ trường danh giá vẫn đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập: Nhân tài dù làm nghề nào cũng có thể trở nên xuất sắc - Ảnh 5.

Hình ảnh Du Yang vừa chạy xe ôm, vừa dịch thơ tiếng Anh xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, được biết đến rộng rãi (Ảnh: The Paper)

Theo The Paper, Du Yang tự tin cho rằng, miễn là bản thân đủ xuất sắc, bạn không cần quan tâm đến nhận xét của người ngoài. Cá nhân anh tin vào câu nói “Đọc nhiều sách thì cuộc sống sẽ có càng nhiều điều tốt đẹp hơn.”

Cả Du Yang hay Vương Tích đều cùng khẳng định câu nói: Nhân tài dù làm nghề nào cũng có thể trở nên xuất sắc, miễn là có sự đầu tư và chăm chỉ. Tất cả các ngành nghề đều ngang bằng như nhau, không phân cao thấp, sang hèn.