Hà Việt Hoàng – chàng trai thân quen với khán giả truyền hình tại nhiều cuộc thi đình đám – từng xuất hiện tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia, một “bách khoa toàn thư” tại Siêu trí tuệ Việt Nam, người chơi xuất sắc trong chương trình Ai là Triệu phú.

Chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Điện tử – Viễn thông đã có cho mình những sự thay đổi nhất định trong suốt khoảng thời gian dài được biết đến. Từ cậu bạn 16 tuổi chạy theo đam mê tại trường quay S14 năm nào giờ đây đã là sinh viên năm tư, Hoàng trở nên nổi tiếng, có hơn 100.000 người theo dõi trên Facebook.

ha viet hoang bach khoa toan thu truot nguyen vong 1 nhu bao nguoi - anh 1

Được mọi người biết đến với sự tài giỏi, thông minh và luôn được gắn chiếc mác “con nhà người ta” nhưng ở Hoàng cũng có rất nhiều lần vấp ngã, thất bại nhất là chặng đường bước vào đại học. Cùng gặp gỡ chàng trai “Kitty” năm nào để cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị của anh chàng trong cuộc sống hiện tại.

“Mình đã từng trượt ba nguyện vọng đầu tiên khi vào đại học, mình từng tiếc…”

Hai ngày qua Bộ GD&ĐT vừa công bố điểm chuẩn đại học. Nhớ lại dấu mốc đó, Hoàng có đạt được kết quả như kỳ vọng?

Năm 2018, khi mình nhận được thông báo điểm chuẩn đại học thì mình trượt ba nguyện vọng đầu tiên. Ở kỳ thi THPT quốc gia, mình đạt 22,45 điểm và mình quyết định theo học nguyện vọng thứ 4 là ngành Điện tử – Viễn thông như hiện tại.

Vậy cách đây ba năm, Hoàng đã đón nhận việc này như thế nào khi xem điểm và đã trượt những nguyện vọng cao nhất của mình? Đôi lời Hoàng gửi đến các bạn 2k3 trong lúc này. 

Mình nghĩ ai cũng từng thất bại, hoặc không đúng như kỳ vọng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề đấy là chúng ta không đỗ, bởi vì chúng ta đã không làm được, chứ không phải vì một nguyên nhân khách quan nào cả. Nếu như chúng ta có những nguyên nhân khách quan như là bị ốm, bị có vấn đề về sức khỏe thì sẽ là câu chuyện khác.

ha viet hoang bach khoa toan thu truot nguyen vong 1 nhu bao nguoi - anh 2

Còn nếu đã gọi là thất bại thì chúng ta phải đi thẳng vào thất bại, tức là cái điểm thất bại đấy ở đâu, là do mình lười hay do phương pháp, hay là do mình tâm lý yếu, nó rất là nhiều lý do. Sau đấy chúng ta phải nhận định được lý do, xem đó là một bài học và phải cố gắng khắc phục nó ở những cái thử thách tiếp theo.

Ở những cuộc thi đã trải qua chúng ta có thể vận dụng lại những bài học đã từng thất bại để tránh phạm phải sai lầm. Mình nghĩ rằng là cái việc mà chúng ta trượt một hai nguyện vọng không phải là vấn đề gì quá lớn lao và to tát, tại vì phía trước còn lại 4 năm đại học với cái ngành mà chúng ta luôn thích.

Đừng bao giờ nghĩ rằng là chúng ta phải học ngành mình thích vì không ai có thể làm bất kỳ điều gì mà mình thích cả, tất cả những thứ mình thích không phải lúc nào mình cũng làm được. Cho nên là nếu như mình thích nghi được tìm ra được những điểm trong ngành mà mình sắp học thì đấy cũng là một điều thú vị, vững vàng và thực hiện được điều mình muốn.

ha viet hoang bach khoa toan thu truot nguyen vong 1 nhu bao nguoi - anh 3

Vậy ở những năm đầu tiên của đại học, Hoàng có bao giờ cảm thấy là mình đang hối hận với sự lựa chọn đó của bản thân và muốn quay đầu làm lại?

Mình từng tiếc nếu bản thân cố gắng hơn thì con đường hướng đến tương lai của mình  sẽ thẳng hơn chẳng hạn, nhưng mà mình nghĩ rằng là chúng ta không nên nuối tiếc với quá khứ quá lâu. Thế nên là mình cũng chỉ nghĩ vậy thôi, còn mục tiêu của nhiệm vụ bây giờ của mình là phải cố gắng. Vậy nên là mình tập trung vào công việc, ngành học mà mình đang làm. Mình không chọn quay đầu, mà sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn cho hiện tại và tương lai.

“Rũ bỏ cái mác Siêu trí tuệ Việt Nam hay thí sinh Olympia, Hoàng cũng chỉ là sinh viên bình thường”

Bước ra từ nhiều cuộc thi lớn, Việt Hoàng có gặp phải những áp lực, sự gắn mác “con nhà người ta” học giỏi, tài năng và việc học là “game dễ”?

Mình nghĩ Đường Lên Đỉnh Olympia hay Siêu Trí Tuệ là nơi để mình giao lưu, học hỏi kiến thức. Ở Siêu Trí Tuệ Việt Nam, đó là danh hiệu của một chương trình truyền hình, nó khác với chuyên ngành mà mình theo học.

Bản thân mình không đặt ra áp lực rằng: Tôi là siêu trí tuệ Việt Nam, tôi phải cao hơn mọi người mà rũ bỏ những cái mác trên. Mình chỉ là một sinh viên rất bình thường như bao người bạn khác. Mình cũng có bạn bè, mình cũng có hội nhóm và cái lực học của mình thì cũng bình thường như bao người khác thôi.

ha viet hoang bach khoa toan thu truot nguyen vong 1 nhu bao nguoi - anh 4

Thế nên là mình không đặt mục tiêu tiêu quá cao, không đặt quá nhiều áp lực cho mình. Mình cũng nghĩ rằng những bạn ví dụ như là thủ khoa đầu vào hay là những bạn trường chuyên thì các bạn không nên đặt quá nhiều áp lực cho bản thân.

Tại vì  môi trường đại học ở một môi trường hoàn toàn khác và những thành tích cấp ba hay là thành tích thi tuyển của các bạn đó được xem là bước đệm. Tận dụng được điều đó hay không thì mấu chốt vẫn là các bạn thích nghi ra sao? Các bạn cố gắng trong chặng đường đại học như thế nào? Nên là đừng đặt áp lực cho bản thân mình từ những gì mà chúng ta đã có trong quá khứ vì điều quan trọng là chúng ta luôn luôn phải cố gắng ở hiện tại.

ha viet hoang bach khoa toan thu truot nguyen vong 1 nhu bao nguoi - anh 5

Hoàng từng chia sẻ việc học ở Đại học Bách khoa, từng rớt môn, bạn nghĩ như thế nào về việc người giỏi thì không được phép thất bại. Hoàng có cảm thấy là mình bị áp lực với những định kiến, mặc định như vậy không?

Mình miễn nhiễm với tư tưởng từ cộng đồng mạng. Điều thứ hai là mình nghĩ rằng nếu như họ đánh giá là “ờ bạn giỏi đấy thì tại sao bạn lại trượt môn” chẳng hạn, thì đấy là một sự đánh giá quá thiển cận. Để tạo ra một bóng đèn thì Edison đã thất bại hàng nghìn lần. Thế nên là chúng ta mới thất bại có một lần thì nó chẳng phải là vấn đề gì nghiêm trọng.

Quan trọng là sau mỗi lần thử nghiệm thất bại thì Edison đã tìm ra một con đường tốt hơn thì chúng ta cũng phải vậy. Sau mỗi lần thất bại như thế, mình phải biết rằng mình đang thiếu cái gì và phải khắc phục như thế nào. Mình nghĩ là từ trước đến nay Bách khoa Hà Nội luôn là môi trường mà mọi người hay than thở rằng cái khối lượng học rất nặng, nhưng mà mình nghĩ cái khối lượng học nặng nó cũng có sự thú vị của nó và nó cũng có cái lợi ích khác nhau.

ha viet hoang bach khoa toan thu truot nguyen vong 1 nhu bao nguoi - anh 6

Bản thân mình hiện tại tìm được niềm vui ở Bách khoa và tìm được đam mê ở Bách khoa và mình có động lực để học. Đối với mình cái việc bị trượt môn hay học lại, nó cũng chỉ là một cái gì đấy ở trên đường đi của mình mà thôi, mình có thể vượt qua nó một cách không có vấn đề gì cả, thế nên là mình không có áp lực trong những chuyện như vậy.