Chu Minh Ngạn mồ côi mẹ, lớn lên nhờ sự đùm bọc của dân làng. Đến lúc thành đạt, ông vẫn nhớ đến ân tình xưa, trả ơn cho dân làng bằng cách xây hơn 400 biệt thự, giúp cả làng thoát nghèo.

Không đầu hàng số phận bất hạnh

Chu Minh Ngạn sinh ra tại làng Tứ Nghĩa, tỉnh Hồ Bắc trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Mồ côi mẹ, Chu Minh Ngạn trở thành “khách quen” của trạm rác, phải lục lọi đồ ăn thừa để sống qua ngày. Dân làng thấy cậu bé quá đáng thương, mỗi khi ở nhà có món gì ngon đều để lại một chút trước cửa nhà để Chu Minh Ngạn đi ngang qua lấy về ăn.

Lớn lên nhờ sự đùm bọc của dân làng, dù nghèo khó cậu bé họ Chu cũng không dễ dàng đầu hàng số phận. Chu Minh Ngạn đi làm tiết kiệm tiền để đến trường học, vì khi đó cậu biết rằng chỉ có kiến thức mới thay đổi được vận mệnh. Đến tuổi trưởng thành, Chu Minh Ngạn xuất sắc trúng tuyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh.

Sau tốt nghiệp, không thể ở lại thành phố nên Chu Minh Ngạn trở về quê hương lập nghiệp. Trải qua nhiều công việc, cuối cùng ông thành lập một nhà máy sản xuất bông nhỏ trong làng. Trong thời gian này, Chu Minh Ngạn vô tình gặp một tai nạn khiến ông bị kẹt cánh tay phải của mình vào máy khi đang ép bông, bác sĩ phải cắt đi cánh tay đó. Chu Minh Ngạn khi đó vẫn rất lạc quan, bởi ông cho rằng mình còn cánh tay trái, còn cái đầu thì luôn còn một con đường để sống sót.

Năm 1988, ông quyết định thế chấp toàn bộ tài sản của gia đình, ký hợp đồng mua lại một xưởng sản xuất chăn ga gối đệm đang thua lỗ, sắp đóng cửa ở thị trấn. Chu Minh Ngạn tiếp quản nhà máy, vừa là ông chủ vừa là kỹ thuật viên, kiêm nhiệm luôn cả nhân viên bán hàng.

 Từ cậu bé ăn xin đến Chủ tịch tập đoàn, xây cho cả làng hơn 400 biệt thự: Hào phóng với người khác nhưng ‘keo kiệt’ với chính mình, điện thoại dùng đến sờn cả nút bấm - Ảnh 1.

Chu Minh Ngạn đánh cược toàn bộ tài sản vào nhà máy sản xuất đệm. Ảnh: Toutiao

Ban ngày ông phải đi chợ buôn bán, buổi tối lại phải về xưởng để cùng các công nhân kỹ thuật phát triển sản phẩm mới. Mỗi ngày đều bận rộn như con quay, thời gian dành cho giấc ngủ cũng vô cùng ít ỏi.

Không lâu sau, Chu Minh Ngạn trở thành một chuyên gia về nệm, biết chính xác chi phí làm một chiếc nệm là bao nhiêu, nguyên liệu thô là gì, mỗi loại vật liệu sử dụng bao nhiêu và nặng bao nhiêu. Nhưng vì doanh nghiệp chưa có tên tuổi nên doanh số bán ra thị trường rất bế tắc.

Khi đó ông Chu mới nhận ra tầm quan trọng của thương hiệu. Chu Minh Ngạn chủ động gọi cho đài truyền hình đến xưởng để họ đến ghi hình cách ông thử chất lượng của tấm đệm. Ông khởi động máy đầm đặt lên tấm đệm, tấm đệm vẫn còn nguyên vẹn.

Ngay lập tức sản phẩm được các phương tiện truyền thông đưa tin, thương hiệu bắt đầu nổi tiếng. Nhà máy hồi sinh thần kỳ và chuyển sang làm ăn có lãi, đi lên trở thành Tập đoàn Lianle dẫn đầu ngành sản xuất chăn ga gối đệm.

 Từ cậu bé ăn xin đến Chủ tịch tập đoàn, xây cho cả làng hơn 400 biệt thự: Hào phóng với người khác nhưng ‘keo kiệt’ với chính mình, điện thoại dùng đến sờn cả nút bấm - Ảnh 2.

Một sản phẩm đệm của thương hiệu Lianle. Ảnh: Toutiao

Cách chứng minh chất lượng sản phẩm của ông Chu cũng truyền cảm hứng cho nhiều TVC trên tivi, như quảng cáo điện thoại di động rơi từ trên cao hay bị ô tô cán qua vẫn sử dụng được.

Thành đạt vẫn nhớ trả ân tình xưa

Sự nghiệp thành công của ông Chu là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ nhưng ăn ngủ không điều độ, để lại nhiều di chứng khác nhau. Chu Minh Ngạn thường xuyên ốm vì làm việc quá sức, bị hỏng một quả thận. Trong những năm cuối đời ông phải cắt bỏ túi mật, cắt bỏ một nửa lá gan và trải qua cuộc đại phẫu thuật tim.

Sau những ngày chiến đấu để giữ mạng sống ở bệnh viện, ông Chu vẫn chăm chỉ làm việc dù những người xung quanh muốn ông nghỉ ngơi. “Tôi đã nói từ rất nhiều năm trước, chỉ cần vẫn còn cái đầu này, thì vẫn luôn có biện pháp sống sót”, Chu nói.

 Từ cậu bé ăn xin đến Chủ tịch tập đoàn, xây cho cả làng hơn 400 biệt thự: Hào phóng với người khác nhưng ‘keo kiệt’ với chính mình, điện thoại dùng đến sờn cả nút bấm - Ảnh 3.

Chu Minh Ngạn không từ bỏ công việc dù phải đối mặt với nhiều bệnh tật. Ảnh: Sohu

Năm 2005, ông giao lại doanh nghiệp cho con trai và trở về quê nhà. Chu Minh Ngạn biết đã đến lúc trả ơn những người năm xưa giúp đỡ, nuôi lớn Chu nên người.

Chu Minh Ngạn không ngại chi số tiền khổng lồ, kết hợp cùng nguồn vốn tự có của quần chúng và tài trợ của nhà nước để xây dựng lại ngôi làng Tứ Nghĩa hoàn toàn mới cho quê hương. Ngôi làng với 443 biệt thự, có công viên, quảng trường, internet phủ sóng khiến dân làng vui mừng không tả.

Ông Chu còn xây dựng thêm thư viện, phòng y tế, siêu thị để mọi người có cuộc sống thoải mái hơn. Ông cũng tạo điều kiện để dân làng làm việc trong công ty mình, nỗ lực phát triển làng trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch. Ngôi làng này từ đó thoát nghèo một cách toàn diện, thậm chí một số người còn có thu nhập cao.

Ông còn đỡ đầu cho 50 em nhỏ đi học, nhận nuôi 2 em nhỏ và cưu mang một cụ già bơ vơ. Chu Minh Ngạn giúp đỡ mọi người nhưng không bao giờ tận dụng điều đó để quảng cáo công việc kinh doanh của mình.

 Từ cậu bé ăn xin đến Chủ tịch tập đoàn, xây cho cả làng hơn 400 biệt thự: Hào phóng với người khác nhưng ‘keo kiệt’ với chính mình, điện thoại dùng đến sờn cả nút bấm - Ảnh 4.

Từ cậu bé nhận ơn của người làng, ông Chu trở thành người giúp làng thoát nghèo. Ảnh: Toutiao

Hào phóng với người khác nhưng Chu Minh Ngạn lại “keo kiệt” với chính bản thân mình. Quần áo trên người ông cũng không quá 200 NDT. Ông chỉ sử dụng một chiếc điện thoại di động cũ 300 NDT dù mọi người đều đã chuyển sang dùng smartphone. Thậm chí nút bấm trên điện thoại ông đã sờn, chữ số không còn rõ ràng. Có người thuyết phục ông đổi sang một chiếc điện thoại tốt hơn để thuận tiện hơn, ông Chu trả lời: “Đối với tôi, điện thoại di động có thể gọi điện và không cần phải chi thêm tiền”.

Chu Minh Ngạn qua đời ở tuổi 77 sau nhiều năm chiến đâu với bệnh tật. Ngày ông mất, dù trời mưa to tầm tã, cả làng Tứ Nghĩa và nhiều người ngoài xếp hàng dài tiễn đưa ông.