Tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng
Từ hôm nay, ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở chỉnh thức được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở năm 2024 là 2,34 triệu đồng/tháng.
Đây là kết quả trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV hôm 29/6, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV với các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Theo đó, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương thì Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024.
Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Chi tiết Bảng lương công chức từ 1/7/2024
Vì sao tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội?
Cũng từ hôm nay, ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024).
Đối với người đang hưởng lương hưu trước 1/1/1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tới 2 lần.
Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.
Điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong – Ảnh: Quochoi.vn
Lý giải về việc tăng lương cơ sở 30% nhưng chỉ tăng 15% lương hưu và trợ cấp BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, trước đó, chúng ta đã có mấy lần điều chỉnh lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương dự tính nếu tăng lương hưu 11,5% trong đợt này thì sẽ ngang bằng với mức tăng 30% của cán bộ, công chức, nhưng do các cụ hưu trí còn nhiều khó khăn, dự kiến lương lên – giá lên. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc, xác định chuyển từ 11,5% lên 15%.
Theo ông Phong, “đây là quan điểm hết sức nhân văn, ưu tiên cho các cụ về hưu” bởi tuy điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, song thực tế nếu cộng lại các chỉ số giá CPI qua các năm, thì tương đương với mức tăng trên 30% so với cán bộ, công chức.
Đối với cán bộ, công chức do nhiều lần chưa thực hiện tăng lương được, nên lần này tăng đồng bộ 30%.