Na Uy được xem là tấm gương sáng cho việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững. Thậm chí, người Na Uy mua quá nhiều xe Tesla đến mức Elon Musk phải bày tỏ ngưỡng mộ đất nước này vì đã ủng hộ xe điện.
Loạt chính sách hỗ trợ người dùng xe điện của Na Uy
Việc Na Uy có số lượng xe điện trên đầu người cao nhất thế giới không phải là ngẫu nhiên. Từ những năm 1990, các chủ xe điện ở Na Uy đã được hỗ trợ bởi các chính sách như giảm thuế, được sử dụng làn đường dành cho xe buýt và giảm phí cầu đường.
Theo Forbes, ngày nay, gần 90% số xe mới bán ra ở Na Uy là xe điện, và dự kiến đến năm 2032, chúng sẽ trở thành loại phương tiện phổ biến nhất trên các con đường ở đây.
Quốc gia này đã đạt được tỷ lệ kỷ lục: hơn 80% số xe mới bán ra trong năm 2023 là xe điện, vượt xa các quốc gia khác. Thành công này xuất phát từ một loạt chính sách khuyến khích, như miễn thuế VAT cho xe điện, miễn phí đỗ xe tại một số khu vực, giảm giá vé qua cầu và phà.
Các chính sách này khiến chi phí sở hữu xe điện cạnh tranh với xe chạy xăng hoặc dầu diesel, bất chấp giá thành sản xuất cao hơn của xe điện.
Bên cạnh đó, chính phủ Na Uy còn xây dựng mạng lưới trạm sạc phủ khắp cả nước, bao gồm cả các khu vực xa xôi, để loại bỏ nỗi lo về “khoảng cách di chuyển”. Điều này đặc biệt quan trọng khi Na Uy có khí hậu lạnh giá và địa hình gồ ghề.
Chưa kể, các công ty ô tô cũng góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, biến xe điện thành biểu tượng thời thượng nhờ thiết kế hiện đại, tiện ích thông minh và hiệu suất mạnh mẽ.
Na Uy đạt được thành công ấn tượng trong việc phổ biến xe điện chỉ có thể thực hiện nhờ các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Đây được xem là bài học chính sách lớn nhất mà nhiều quốc gia có thể tham khảo để thúc đẩy tiêu dùng xe điện góp phần giảm thiểu ô nhiễm, “xanh hoá” giao thông.
Hiện tại, chưa thể chắc chắn liệu Na Uy có đạt được mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc bán xe động cơ đốt trong vào năm 2025 hay không, mặc dù khả năng sẽ rất gần với mục tiêu này. Nhưng nhìn vào thực tế có thể thấy, sự kết hợp giữa chính sách Chính phủ, đầu tư cơ sở hạ tầng cùng với sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là yếu tố cốt lõi giúp quốc gia này hướng đến mục tiêu toàn bộ xe mới bán ra sẽ là xe không phát thải.
Đề xuất chính sách cho lộ trình chuyển đổi sang xe điện ở Việt Nam
Tại thị trường xe điện Việt Nam đã và đang phát những tín hiệu tích cực khi các thương hiệu trong và ngoài nước đồng loạt đẩy mạnh phát triển dải sản phẩm cũng như mạng lưới trạm sạc toàn quốc. Đặc biệt, VinFast – hãng xe điện Việt Nam đã có những đột phá lớn về doanh số chứng tỏ sức hút không nhỏ của xe điện tại thị trường này.
TS Nguyễn Sơn – giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, việc hãng xe điện “Made in Vietnam” vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 ở thị trường trong nước phản ánh thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Việt về xe điện nói chung.
Hơn nữa, các chính sách như miễn phí đăng ký và giảm thuế nhập khẩu cho xe điện, hệ thống trạm sạc được đầu tư mở rộng cũng làm cho dòng xe này trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng.
Dù vậy, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là một quá trình phức tạp, bao quát một hệ sinh thái đa ngành tập trung vào việc phát triển phương tiện công cộng chạy điện gồm: thúc đẩy hoạt động cung ứng và sản xuất EV, ưu đãi cho nhu cầu EV, triển khai mạng lưới trạm sạc EV, chuẩn bị để ngành điện thích ứng với hoạt động sạc EV và xây dựng các bộ kỹ năng cần thiết cho người lao động.
Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra theo Quyết định 876 liên quan đến việc chuyển đổi ngành giao thông đường bộ sang phương tiện công cộng chạy điện sử dụng xe điện, báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra hàng loạt đề xuất cho Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, WB cho rằng, bước đầu tiên thiết yếu cho quá trình chuyển đổi là thành lập một cơ quan liên chính phủ để lãnh đạo và điều phối các nỗ lực trong suốt quá trình chuyển đổi. Hiệu quả làm việc của cơ quan liên chính phủ này sẽ có tác động quyết định đến việc tối ưu hóa tốc độ và chi phí liên quan đến quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Hiện, Việt Nam hiện là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Thế nhưng, để tiếp tục kích cầu đối với dòng xe điện này, cần có chính sách giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, từ đó vượt qua được phần chênh lệch giữa giá mua và giá trị thực. Đồng thời, cần đưa ra các tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra để giải quyết mối quan ngại của người tiêu dùng về độ an toàn của xe điện 2 bánh; triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm đẩy nhanh quá trình loại bỏ các 2 bánh chạy xăng đang lưu hành, góp phần giải phóng thị trường cho xe điện 2 bánh mới.
Với xe ô tô điện (xe con), cần tạo một môi trường thuận lợi để loại xe này trở thành lựa chọn ưu tiên khi hầu hết người Việt đều có đủ khả năng mua chiếc xe đầu tiên của họ trong thập kỷ tới. Biện pháp can thiệp chính sách quan trọng nhất là triển khai mạng lưới trạm sạc công cộng cho xe ô tô điện một cách có hệ thống.
Do đó, WB đề xuất lập kế hoạch cho mạng lưới trạm sạc công cộng để tối ưu hóa hiệu quả, bắt đầu từ những khu đô thị, sau đó mở rộng dần.
Ngoài ra, để giảm tác động của hoạt động sạc xe điện lên cao điểm tiêu thụ của hệ thống, Chính phủ nên hướng đến việc chuyển hoạt động sạc xe điện sang các trạm sạc công cộng vào ban ngày (ngoài giờ cao điểm) càng nhiều càng tốt.
Song, đi kèm với đó cần triển khai chương trình cải cách biểu giá điện nhằm khuyến khích sạc ngoài giờ cao điểm, mở rộng quy mô thiết bị sạc thông minh và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại các trạm sạc công cộng để giảm tải sạc xe điện cho lưới điện, WB nhấn mạnh.