Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) giúp người dân được hưởng nhiều quyền lợi khi khám chữa bệnh, giảm bớt gánh nắng kinh tế trong quá trình trị bệnh. Mỗi người dân tham gia BHYT sẽ được cấp một thẻ BHYT dùng làm căn cứ xác định quyền lợi được hưởng khi khám chữa bệnh BHYT theo quy định.
Thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng
Thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng được xác định theo đối tượng tham gia BHYT như sau:
(1) Với trẻ em dưới 6 tuổi, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trẻ đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó.
(2) Đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi Khoản 6, Điều 1, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 tham gia bảo hiểm y tế lần đầu thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. Các nhóm đối tượng cụ thể gồm:
– Nhóm do ngân sách nhà nước đóng;
– Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;
– Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
(3) Người tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.
(4) Đối tượng quy định tại Khoản 4 và khoản 5 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) tham gia BHYT từ ngày 01/7/2009 hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.
Luật quy định rõ các trường hợp thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng và không có giá trị sử dụng.
Khi nào thẻ bảo hiểm y tế không có giá trị sử dụng?
Thẻ BHYT được dùng làm căn cứ để người tham giao BHYT được hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 16, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 có quy định 3 trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng. Cụ thể như sau:
(1) Thẻ đã hết thời hạn sử dụng. Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT phụ thuộc vào đối tượng tham gia và thời điểm đóng BHYT
(2) Thẻ BHYT bị tẩy xóa, sữa chữa thông tin. Việc tẩy xóa, sữa chữa thông tin trên thẻ BHYT sẽ làm mất tính xác thực của thẻ BHYT và được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
(3) Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia BHYT, tức là người tham gia ngừng đóng BHYT hoặc chuyển sang đối tượng khác.
Người dân cần kiểm tra xem thẻ BHYT của mình có rơi vào 3 trường hợp trên hay không để kịp thời xử lý. Có thể đổi thẻ BHYT tại cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ hoặc nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID hoặc dùng thẻ CCCD/Căn cước gắn chíp đã tích hợp thông tin thẻ BHYT thay cho thẻ BHYT giấy.
Cách khám bệnh không cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy
Hiện nay, thay vì sử dụng thẻ BHYT giấy theo cách truyền thống, người dân có thể lựa chọn một trong ba cách dưới đây để khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể:
– Người dân có thẻ CCCD gắn chip có thể xuất trình thẻ CCCD này tại cơ sở khám chữa bệnh.
– Người dân có tài khoản định danh điện tử mức 2 có thể mở ứng dụng VNeID, mở hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để xuất trình trong quá trình khám chữa bệnh.
– Người dân dùng ứng dụng VssID, đăng nhập vào ứng dụng và xuất trình thẻ BHYT có trên ứng dụng.