Việc đăng ký tạm trú sẽ do chủ trọ hay người thuê trọ thực hiện? Nếu không đăng ký thì sẽ bị phạt và phạt bao nhiêu tiền?
Tôi có nhà trọ đang cho thuê. Tôi quan sát thực tế thấy hiện nay có rất nhiều học sinh, sinh viên, công nhân thuê trọ để sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Nhiều người thuê trọ cho rằng việc đăng ký tạm trú là trách nhiệm của chủ trọ nên cứ đùn đẩy cho chủ trọ mà không đi đăng ký tạm trú. Như vậy, nếu không đăng ký tạm trú thì ai sẽ là người bị phạt?
Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú (theo khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020).
Như vậy, tạm trú là việc công dân sinh sống ở một nơi trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Đăng ký tạm trú thuộc trường hợp đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật. Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú (khoản 5 Điều 2 Luật Cư trú 2020).
Trên thực tế, khi đi thuê trọ thì chủ nhà trọ thường là người chủ động liên hệ để đăng ký tạm trú cho người đi thuê trọ bởi những người chủ nhà trọ thường sẽ quen thuộc với cơ quan công an địa phương đó.
Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021 quy định vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú. Người thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng, cụ thể:
– Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
– Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.
Do đó, cả chủ nhà trọ và người thuê trọ đều phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú khi có sự thay đổi về cư trú. Nếu không đăng ký tạm trú có thể chủ trọ hoặc người thuê trọ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng theo quy định trên.