Tài năng của các bậc kì tài Tam Quốc là vô tận, nếu ngồi kể lần lượt có lẽ sẽ khiến bạn đọc choáng váng, tuy nhiên có một cách khá đơn giản để phác họa lại anh hùng thời kì này, đó là sử dụng biệt danh của họ, có thể phân chia một cách đơn giản như sau: Một long một phượng, một mã một quỷ, một hổ một kỳ lân, 6 kì tài này đều vô cùng tài hoa, bạn biết được những ai?
Mọi người thường nói “loạn thế sinh anh hùng”, nhưng có lẽ kể từ sau Xuân thu chiến quốc, cả Trung Quốc cổ đại không có thời kì nào sản sinh ra nhiều bậc kì tài như thời kì Tam Quốc, cực phẩm anh hùng có tới mấy người, danh tướng văn sỹ cũng lưu danh thiên cổ, thậm chí trăm nghìn năm sau, hậu thế vẫn nhắc tới tên họ.
Một long một phượng có lẽ mọi người đều đã rất quen thuộc, “Ngọa Long Phượng Sồ, đắc nhất khả đắc thiên hạ” (Ngọa Long, Phượng Sồ, có được một trong hai có thể có được thiên hạ). Ngọa Long chính là Gia Cát Lượng, vốn dĩ ẩn cư ở Long Trung, sau này ba lần bảy lượt được Lưu Bị mời xuất sơn để “phò tá Hán thất”, sau này trở thành trợ thủ đắc lực của một trong 3 ông chủ lớn thời loạn thế.
Phượng Sồ ở đây chính là Bàng Thống, năm đó ông là người đã hiến cho Lưu Bị Thượng trung hạ tam sách, Lưu Bị sử dụng Trung sách mà đã thành công vào được đất Thục, tuy nhiên, vận may của ông lại không tốt, trong chiến loạn đã bị trúng tên và tử trận.
Ảnh minh họa: Internet
“Một mã một quỷ” chính là Mã Siêu và Quách Gia. Mã Siêu ngay từ sớm đã thống lĩnh đội kị binh tinh duệ Tây Lương, đuổi đánh khiến Tào Tháo phải cắt râu vứt áo, được người trong thiên hạ tôn xưng là “Tây Lương cẩm Mã Siêu”, chỉ cần một người một ngựa (mã) cũng có thể khiến người khác sợ hãi mà đầu hàng.
Quách Gia được mọi người gọi là “quỷ tài”, ông có vai trò vô cùng to lớn trên con đường tranh bá của Tào Tháo, giúp Tào Tháo bình định cả khu vực phương Bắc, Tào Tháo trong lúc tháo chạy sau khi thua trong trận Xích Bích từng phải thốt lên rằng: “Nếu Phụng Hiếu (tự của Quách Gia) còn, có lẽ đã không đến nước này.”
Ảnh minh họa: Internet
“Một hổ một kỳ lân” chỉ Tôn Kiên và Khương Duy. Tôn Kiên tuy được mệnh danh là hậu nhân của binh pháp tông sư Tôn Vũ, nhưng khi tới đời của ông, gia cảnh lại rất bình thường, ông buộc phải cùng cha lưu lạc vào nam ra bắc.
Có một lần gặp phải một nhóm hải tắc, tất cả mọi người ai nấy đều rất sợ hãi, nhưng Tôn Kiên khi ấy mới 17 tuổi đã dũng cảm tiến lên phía trước, một đao giết chết thủ lĩnh của đám hải tặc, khiến đám hải tặc bỏ chạy toán loạn, sau này lãnh đạo binh lính khởi nghĩa, khiến cho cả Đổng Trác cũng phải sợ, được người đời tôn là “Mãnh hổ Giang Đông”.
Ảnh minh họa: Internet
Khương Duy được mọi người gọi là “Ấu lân” (kỳ lân nhỏ), kế thừa di nguyện của Gia Cát Lượng, ông nhiều lần Bắc phạt Trung nguyên, trước khi Tào Ngụy xâm phạm Thục Hán, ông đã bẩm báo lên Lưu Thiện, đề nghị tăng cường quân bị, nhưng Lưu Thiện lại không xem ra gì, chỉ quan tâm đến việc ăn chơi hưởng lạc, cuối cùng dẫn đến việc Thục Hán bị diệt vong.
Sau khi Lưu Thiện bị bắt, Khương Duy vẫn không nhụt chí, tích cực tập hợp lực lượng đồng thời kích động thủ lĩnh Tào Ngụy tạo phản, mong muốn phục hưng Thục Hán, nhưng cuối cùng vẫn bị giết trong cảnh loạn chiến.