Trước đây, phần lớn dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy đều do các doanh nghiệp nước ngoài như Honda, Toyota, Hyundai… đảm nhiệm.
Ngày 9/12, Tạp chí Công Thương đã tổ chức tọa đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí”.
Theo TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, thị trường cơ khí trong nước đã ghi nhận những bước tiến đáng kể cả về lượng và chất.
Đơn cử trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, trước đây, phần lớn dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy đều do các doanh nghiệp nước ngoài như Honda, Toyota, Hyundai… đảm nhiệm. Tuy nhiên, từ năm 2012, với việc tập trung đào tạo nhân lực và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản và Hàn Quốc, viện đã tự chủ trong thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô.
Ảnh minh hoạ: một dây chuyền trong quá trình sản xuất xe điện VinFast. Ảnh: autopro.com.vn
Điển hình vừa rồi, viện đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của VinFast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3,..
“Đây là một thành công và thể hiện được rằng người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài”, ông Phong nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, viện cũng đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ để thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời, điển hình như dự án điện mặt trời Đa Mi với công suất 47,5MW, tiếp theo là các dự án Tầm Bó và Gia Hoét.
Về lĩnh vực sản xuất, viện đã hỗ trợ Công ty cổ phần Bột giặt Lix thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) triển khai toàn bộ hệ thống tự động hóa, từ khâu sản xuất đến bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa. Giải pháp này giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tăng năng suất lao động.
Trong thời gian qua, lĩnh vực thủy điện cũng đạt được những thành tựu nổi bật khi chúng ta đã hoàn toàn tự chủ từ khâu thiết kế, gia công, chế tạo đến triển khai các dịch vụ kỹ thuật.