Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định, Nhà nước thu hồi sổ đỏ trong một số trường hợp như thu hồi đất, cấp đổi hay giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp…
Theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước sẽ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, cũng như các giấy chứng nhận liên quan đến quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (gọi chung là sổ hồng, sổ đỏ) trong bốn trường hợp sau:
Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cấp trên sổ.
Cấp đổi sổ mới.
Người sử dụng đất hoặc chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai hoặc tài sản gắn liền với đất mà cần phải cấp sổ mới.
Sổ đã cấp không đúng thẩm quyền, đối tượng, diện tích, điều kiện, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng, hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định pháp luật. Trừ trường hợp người được cấp sổ đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định pháp luật.
Có 4 trường hợp bị thu hồi sổ đỏ, sổ hồng theo quy định
Quy trình thu hồi sổ hồng, sổ đỏ trong các trường hợp trên được thực hiện như sau:
Trường hợp Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: Khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực thi hành, trong đó có kết luận về việc thu hồi sổ đã cấp, thì việc thu hồi sẽ được thực hiện theo bản án hoặc quyết định đó.
Trường hợp cơ quan thanh tra có văn bản kết luận sổ đã cấp không đúng quy định pháp luật: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và nếu kết luận là đúng, sẽ quyết định thu hồi sổ đã cấp. Nếu xác định sổ đã cấp là đúng, phải thông báo lại cho cơ quan thanh tra.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện sổ đã cấp không đúng quy định pháp luật: Cơ quan này sẽ kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết lý do và quyết định thu hồi sổ không đúng quy định.
Trường hợp người sử dụng đất hoặc chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện: Người này có thể gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, xem xét và quyết định thu hồi.
Lưu ý rằng, nếu người sử dụng đất hoặc chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thu hồi sổ, họ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Không đồng ý với quyết định thu hồi Sổ đỏ, phải làm gì?
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại.
Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 đối tượng khiếu nại đất đai là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai, cụ thể:
Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Trong trường hợp này, người dân có quyền khiếu nại Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu có căn cứ cho rằng việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là trái pháp luật.
Theo đó, người dân có thể khiếu nại lần đầu tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trình tự khiếu nại như sau:
Bước 1. Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại
Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
Bước 2. Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;
– Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.
Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm:
– Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
– Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4. Tổ chức đối thoại
Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.