Trong trường hợp đất nông nghiệp không có người thừa kế thì Nhà nước sẽ xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng,..Trong trường hợp đất nông nghiệp không có người thừa kế thì Nhà nước sẽ xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Các loại đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật
Căn cứ theo điều 10 của Luật đất đai năm 2013 đất nông nghiệp được phân chia thành các loại sau đây:
– Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
– Đất trồng cây lâu năm;
– Đất rừng sản xuất;
– Đất rừng phòng hộ;
– Đất rừng đặc dụng;
– Đất nuôi trồng thủy sản;
– Đất làm muối;
– Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh..”
Đất nông nghiệp không có người thừa kế có thể bị thu hồi
Điểm b khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013 quy định cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế là một trong những trường hợp Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, điểm đ khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định, cá nhân sử dụng đất có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất của mình bằng cách lập di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thì nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều 65 Luật Đất đai 2013 quy định, việc thu hồi đất của người đã chết mà không có người thừa kế phải được thực hiện dựa trên căn cứ có giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người đã chết theo quy định pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi thường trú của người để thừa kế đã chết.
Sau thu hồi, đất được sử dụng ra sao?
Điều 68 Luật Đất đai 2013 quy định, đất đã thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này thì giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất.
Trường hợp đất đã thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Quỹ đất này được giao, cho thuê đối với hộ gia đình, cá nhân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, đất bị thu hồi do người sử dụng đất chết nhưng không có người thừa kế sẽ được giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất. Với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Quỹ đất này được giao, cho thuê đối với hộ gia đình, cá nhân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật.