Vụ án giết oan công thần này đã trở thành bằng chứng khiến bản chất “gian hùng” của Tào Tháo mãi mãi lưu danh sử sách.
Vào những năm cuối thời Đông Hán, Tào Tháo thực hiện chính sách “duy tài thị cử” (chỉ tiến cử người tài) để thu thập nhân tài trong thiên hạ, đồng thời cho các văn thần võ tướng trong triều có cơ hội được trổ hết tài năng.
Nhưng đến lúc về già, gian hùng đệ nhất Tam Quốc này vì sinh lòng nghi kị nên đã ra tay trừ khử vô số người có năng lực. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới cái chết oan khuất của một bậc kỳ tài nổi tiếng – Thôi Diễm.
Điều đáng nói là, sau khi “đệ nhất án oan đệ nhất Tam Quốc” này xảy ra, con cháu của Thôi Diễm lại có thể hưng thịnh được tới 700 năm. Trong khi đó, vương triều của Tào Tháo lại “sớm nở tối tàn”, tồn tại vẻn vẹn chỉ vài chục năm.
Cái chết tức tưởi của danh sĩ nổi danh Tam Quốc
Nạn nhân của “đệ nhất án oan thời Tam Quốc” là danh sĩ Thôi Diễm, tự Quý Khuê. Ông quê ở Võ Thành – Đông Thanh (nay là huyện Thanh Hà thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc).
Tương truyền rằng, Thôi Diễm lớn lên tuấn tú, nho nhã, từ sớm đã yêu thích đấu kiếm, tôn sùng việc học võ. Sau này, ông được quê nhà cử đi thi nên mới đọc sách, nghiền ngẫm “Luận ngữ”, “Hàn thi”.Thuở thiếu thời, ông bái một nhà đại Nho đương thời là Trịnh Huyền làm sư phụ.
Được một thời gian, quân Hoàng Cân ngày càng hung hăng, ngang ngược, Trịnh Huyền buộc phải trao trả môn sinh. Thôi Diễm sau khi xuất sư đã đi ngao du nhiều phương, 4 năm sau mới trở về quê nhà, ngày ngày “cầm sách đọc để tiêu khiển”.
Chân dung nhân vật Tam Quốc Thôi Diễm.
Sớm đã nghe được đại danh của Thôi Diễm, Viên Thiệu tìm mọi cách chiêu mộ ông về làm quan. Lúc bấy giờ, kỷ luật quân đội của Viên Thiệu rất kém cỏi, Diễm vẫn thường hết lời can gián.
Sau đó, Viên Thiệu lại muốn quyết chiến với Tào Tháo, Thôi Diễm đã một mực khuyên can, nhưng Thiệu vẫn nhất quyết không nghe.
Tới lúc hai người con trai của Thiệu tranh giành ngai vị, bên nào cũng muốn lôi kéo bậc kỳ tài họ Thôi này về phía mình. Nhưng Diễm nói mình có bệnh, kiên quyết từ chối.
Vì đắc tội với kẻ trên, Thôi Diễm một thân mang tội, bị tống vào ngục giam. May nhờ Âm Quỳ, Trần Lâm lo liệu, nhân vật kỳ tài này mới có thể thoát khỏi tội chết.
Sau này, Tào Tháo chiếm được Ký Châu, cũng hết lòng chiêu mộ Thôi Diễm ra làm quan cho mình.
Tương truyền rằng, Diễm sở hữu vóc người cao lớn, giọng nói sang sảng, mặt mày sáng sủa, râu dài 4 thước, dáng vẻ uy nghi, lại ăn nói ngay thẳng, được quần thần vô cùng kính trọng, ngay cả Tào Tháo cũng thập phần kính nể.
Sinh thời, Diễm vốn là người cương trực, từng khuyên can Tào Phi không nên đi săn, can gián Tào Tháo không nên “phế trưởng lập ấu” (phế con trưởng lập con thứ).
Có trong tay một nhân tài ăn nói ngay thẳng, can gián chân thật, Tào công luôn âm thầm tán thưởng Thôi Diễm. (Ảnh: nguồn internet).
Về việc chọn Thái tử, Thôi Diễm từng có đôi lời dâng lên quân chủ:
“Từng nghe rằng theo nghĩa Xuân Thu, lập con lấy trưởng, thêm nữa, Ngũ quan tướng (chỉ Tào Phi) là người thông minh, nhân hiếu, nên được kế thừa chính thống. Diễm này lấy cái chết để giữ ý kiến đó.”
Trong khi đó, vợ của Tào Thực (con thứ ba của Tào Tháo) là cháu gái Thôi Diễm. Nhưng với suy nghĩ chính trực, vị danh sĩ này vẫn lấy tính mạng của mình ra để ủng hộ trưởng tử Tào Phi.
Tào Tháo quý trọng và khâm phục ông chính là ở tấm lòng công chính, ngay thẳng ấy. Trong cuộc đời làm quan của mình, Thôi Diễm từng đề cử một nhân tài cho Tào Tháo. Người này họ Dương, tên Huấn.
Xét thấy Dương Huấn tài cán chưa đủ, nhưng lại thanh liêm chính trực, tuân thủ đạo lý, Thôi Diễm một lòng cất nhắc, Tào Tháo thấy vậy cũng chiêu mộ người này.
Năm 216, Tào Tháo xưng làm Ngụy Vương, Dương Huấn có dâng một bài biểu tán dương công trạng của quân chủ, trong đó còn có câu khen Tháo là người “thịnh đức”.
Kẻ sĩ đương thời thấy vậy liền châm biếm họ Dương này là kẻ xu nịnh, cũng theo đó mà chê bài Thôi Diễm tiến cử người không xứng đáng.
Sau khi xem qua biểu văn, Diễm gửi cho Dương Huấn một phong thư, trong đó có câu:
“Ta xem biểu chương, thấy là việc tốt thôi! Thời gian ôi thời gian, thời thế sẽ đến lúc chuyển biến!”
Ý tứ của câu văn trên rất rõ ràng: Thôi Diễm muốn phê bình nhưng kẻ chỉ biết chỉ trích, chê bai người khác. Nhưng không ngờ, có kẻ lại tố cáo phong thư này của ông mang hàm ý “khinh người”, “báng bổ” việc Tào Tháo cướp ngôi nhà Hán.
Tiếc thay cho Thôi Diễm một đời ngay thẳng, nhưng cuối cùng lại chết trong tay Tào Tháo chỉ vì bị vu vạ. (Ảnh minh họa).
Khi đó, Tào Tháo giận tím mặt, hạ lệnh cách chức Diễm, bắt ông làm lao dịch khổ sai, thậm chí còn sai người ngay đêm canh giữ, chẳng khác nào phạm nhân.
Không có tội nhưng lại bị phạt, đương nhiên một bậc danh sĩ như Thôi Diễm sẽ đem lòng bất mãn, cương quyết không nhún mình. Tào Tháo tức giận, sai người “ban thưởng” cho Thôi Diễm tự tử.
Nhận được án tử do chính tay vị quân chủ mình phụng sự bao năm ban cho, Thôi Diễm có nói: “Giết ta là không thỏa đáng, ta không biết rằng Tào công có ý tứ ấy.” Sau đó, ông liền tự sát. Một đời danh sĩ cứ như vậy đi vào dĩ vãng.
Bản chất “gian hùng” và cái kết “không như mơ” của Tào Tháo
Đánh giá về mối quan hệ của Tào Tháo và Thôi Diễm, nhà logic học trứ danh của Trung Quốc là Dịch Trung Thiên từng bình luận một đoạn đặc sắc:
“Thôi Diễm là danh sĩ đức cao vọng trọng nhất nhì Tam Quốc, ngay thẳng, nho nhã, lại có tầm nhìn xa trông rộng, dáng vẻ đường đường, nghiêm túc với triều đình, Tào Tháo cũng bị một phần chính khí của ông làm cho tâm phục.
Cái chết của Thôi Diễm là án oan lớn nhất lúc bấy giờ. Danh sĩ này dùng cái chết để chứng minh mình là người quân tử còn Tào Tháo lại dùng cái chết của ông ta để chứng minh bản thân là kẻ gian hùng.”
Cái chết được ví như “đệ nhất án oan Tam Quốc” của Thôi Diễm đã trở thành minh chứng lịch sử tố cáo bản chất gian hùng của Tào Tháo. (Ảnh minh họa).
Thôi Diễm dù chết, nhưng hậu duệ của ông sau đó lại vô cùng hưng thịnh. Đến thời Ngụy Tấn – Nam Bắc triều, dòng họ Thôi ở Thanh Hà đã trở thành một gia tộc trí thức danh môn nức tiếng.
Cho tới khi quan viên thời đầu nhà Đường chỉnh lý cuốn “thị tộc chí” (cuốn sách viết về những quý tộc, sĩ tộc danh tiếng), lẽ ra họ Thôi đã được đưa lên vị trí đầu bảng. Nhưng do Lý Thế Dân ra tay can thiệp, gia tộc này mới bị đánh tụt xuống hàng thứ ba.
Mặc cho thời thế thay đổi, người của Thôi gia vẫn đảm nhiệm nhiều chức quan lớn trong triều đình. Gia tộc danh môn này đã từng ghi nhận tới 23 người làm Tể tướng.
Kể từ người mở đầu là Thôi Diễm (thời Đông Hán) cho tới Tể tướng Thôi Dận của Đường triều, gia tộc họ Thôi đã có tới 700 trăm năm hưng thịnh.
Trong khi đó,nếu tính từ lúc Tào Tháo xưng làm Ngụy vương cho tới thời điểm nhà Ngụy diệt vong, cơ đồ của Tào gia tồn tại chỉ vẻn vẹn có 50 năm mà thôi.