Nhiều người dân quan tâm rằng đất trồng cây lâu năm có được tách thửa không?
Tách thửa là gì?
Tách thửa là quy trình phân chia quyền sử dụng đất từ người đứng tên trong sổ đỏ cho một hoặc nhiều người khác. Theo quy định hiện hành, việc tách thửa hay phân chia đất đai là quy trình phân quyền sở hữu đất từ một người đứng tên, chịu trách nhiệm sang cho một hoặc nhiều đối tượng khác nhau. Việc tách thửa đất cần thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Một số nguyên nhân tách thửa đó là:
Tách thửa đất để phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất
Tách thửa khi có quyết định phân chia từ tòa án
Người sử dụng đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với một phần của thửa đất cho đối tượng khác.
Đất trồng cây lâu năm có tách thửa được không?
Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất trồng cây lâu năm là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp và được sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm như cacao, cà phê, chè, điều, dừa, sầu riêng, xoài…
Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan không cấm người sử dụng đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng cây lâu năm) tách thửa đất để lên thổ cư hay chuyển nhượng, tặng cho… mà chỉ quy định về các điều kiện để được tách thửa đất.
Nói cách khác, người sử dụng đất trồng cây lâu năm có quyền thực hiện thủ tục tách thửa đất nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện tách thửa theo quy định pháp luật.
Điều kiện tách thửa đất trồng cây lâu năm thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, điều kiện chung để thực hiện tách thửa đất trồng cây lâu năm như sau:
– Đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (một số địa phương không bắt buộc phải có giấy chứng nhận mà chỉ cần có đủ điều kiện để giấy chứng nhận).
– Đất có nhu cầu tách thửa không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Đất trồng cây lâu năm chưa hết thời hạn sử dụng.
– Thửa đất đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành.
Trong đó, căn cứ khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, diện tích tách thửa tối thiểu đối với đất trồng cây lâu năm sẽ cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Ngoài ra, tại một số địa phương có thể sẽ quy định thêm một số điều kiện tách thửa đất như:
– Việc tách thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng đất hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai, Điều 254 Bộ luật Dân sự.
– Tách thửa trong trường hợp tách thửa bao gồm đất ở và đất nông nghiệp cùng thửa với đất ở mà không được công nhận là đất ở…
Người sử dụng đất cần đọc kỹ các văn bản mới nhất liên quan đến tách thửa của địa phương nơi có đất để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện.