Khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vào dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024, người bệnh cần chú ý đến điều sau đây.
Lưu ý khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cuối năm 2023
Chiều 12/12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. HCM có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) về việc thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh BHYT cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Theo đó, các cơ sở thực hiện giấy chuyển tuyến và giấy hẹn tái khám theo các mẫu số 5 và 6 tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 75 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146 năm 2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều luật Bảo hiểm y tế.
Về giấy chuyển tuyến các trường hợp bệnh mãn tính, các cơ sở khám, chữa bệnh cần thông báo cho người bệnh BHYT bổ sung giấy chuyển tuyến năm 2024 nếu tiếp tục điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh từ ngày 1/1/2024 theo quy định.
Đối với trường hợp bệnh mạn tính giấy chuyển tuyến cấp từ sau ngày 25/12/2023 sẽ được sử dụng hết năm Dương lịch 2024.
Những trường hợp bệnh mãn tính điều trị ngoại trú có bệnh án (điều trị bệnh ung thư, suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo) có giấy chuyển tuyến có giá trị đến hết ngày 31/12/2023 nhưng chưa kết thúc đợt điều trị thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị. Tuy nhiên, không vượt quá ngày 10/1/2024. Sau đó, bệnh nhân phải bổ sung giấy chuyển tuyến mới cho năm 2024.
Các trường hợp khám chữa bệnh khác, điều trị các bệnh thông thường, không thuộc danh mục bệnh mạn tính thì sử dụng theo giấy chuyển tuyến hoặc giấy hẹn tái khám theo chỉ định điều trị. Giấy hẹn tái khám chỉ có giá trị sử dụng 1 lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hẹn khám lại.
Trường hợp các thẻ BHYT có giá trị thẻ đến ngày 31/12/2023 khi khám, chữa bệnh ngoại trú trong tháng 12 vẫn được kê đơn, cấp thuốc theo chỉ định của bác sĩ và liệu trình điều trị (tối đa 30 ngày đối với bệnh mạn tính).
Cách xin giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế
Các bước xin giấy chuyển tuyến báo hiểm y tế”
Bước 1: Cơ sở khám chữa bệnh cần thông báo và giải thích rõ lý do chuyển tuyến cho bạn hoặc người đại diện hợp pháp của bạn.
Bước 2: Người đại diện cơ sở khám chữa bệnh ký giấy chuyển tuyến theo mẫu theo quy định.
Bước 3: Làm các thủ tục kiểm tra trước khi chuyển bệnh nhân.
Điều 12 Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định về sử dụng Giấy chuyển tuyến và Giấy hẹn khám lại trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT như sau:
1. Sử dụng Giấy chuyển tuyến đối với người bệnh có thẻ BHYT:
a) Trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi;
b) Trường hợp người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi;
c) Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký.
d) Người bệnh có thẻ BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được sử dụng Giấy chuyển tuyến quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 năm dương lịch đó. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.