Bước sang tháng 12, có một số chính sách về BHYT và giao thông sẽ có hiệu lực, ai cũng cần biết.
Theo đó, Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 03.12.2023.
Thêm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí:
Nghị định 75 bổ sung thêm đối tượng mới thuộc nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng đó là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT.
Nghị định 75 cũng sửa đổi quy định về 2 đối tượng sau:
– Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
– Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 – 2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Thêm đối tượng được hưởng BHYT 100%, 95%:
– Thêm 2 đối tượng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh:
Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc.
Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.
– Thêm 3 đối tượng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh:
Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo trường hợp nuôi con liệt sỹ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; người phục vụ thương binh (tính cả thương binh loại B được công nhận trước 31.12.1993), người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tổn thương từ 81%.
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Bổ sung đối tượng được ngân sách hỗ trợ mức đóng BHYT:
Nghị định 75 đã bổ sung thêm đối tượng được ngân sách hỗ trợ mức đóng BHYT là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022 – 2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Sửa quy định về mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước:
Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền.
Thêm đối tượng được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT là những người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe online là 115.000 đồng
Ngày 16/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2023.
Theo đó, sửa đổi quy định tại Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng lại như sau: Mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến: Kể từ ngày 1/12/2023 đến hết ngày 31/12/2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp. Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Như vậy, mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) khi nộp hồ sơ online từ ngày 1/12/2023 là 115.000 đồng/lần cấp.
Điều kiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang
Ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2023.
Theo đó, quy định điều kiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang như sau: Tổ chức đề nghị xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải bảo đảm nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp đường ngang theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng đường ngang xác định rõ nguồn vốn quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.
Đối với đường ngang sử dụng có thời hạn, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải bảo đảm: Mục đích sử dụng đường ngang phù hợp với phương án tổ chức giao thông tạm thời được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thời hạn khai thác, sử dụng đường ngang không quá 24 tháng; Chủ quản lý, sử dụng đường ngang cam kết làm thủ tục bãi bỏ đường ngang và tự tháo dỡ đường ngang, hoàn trả kết cấu hạ tầng đường sắt khi hết thời hạn khai thác, sử dụng.
Đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia có thời gian sử dụng lâu dài được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, sau khi hoàn thành đường ngang, chủ đầu tư bàn giao lại công trình cho Bộ Giao thông vận tải để tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác theo quy định. Đối với đường ngang được xây dựng bằng nguồn vốn khác, tổ chức đề nghị xây dựng đường ngang phải bảo đảm kinh phí để quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.