Lợi dụng chủ trương đấu giá biển số xe ô tô, ôm nhiều biển số đẹp nhưng gần hết thời hạn để đăng ký cho xe vẫn không bán, sang nhượng được, nhiều dân buôn rơi vào tình trạng phải cắt lỗ tới hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội, một biển số xe 30K-788.88 đang được rao bán với mức giá 720 triệu đồng, trong khi trước đó biển số này được đấu giá công khai ở mức 955 triệu đồng. Như vậy, nếu thương vụ này thành công, người bán rõ ràng đã lỗ hơn 200 triệu đồng.
Ghi nhận trên các diễn đàn, một số biển số xe đẹp như 30L-255.55, 30K-922.99, 43A-879.79… cũng đang được bán với mức giá thấp hơn nhiều so với kết quả đấu giá được công khai trên website của đơn vị đấu giá, mức chênh lệch từ vài chục triệu đồng cho tới hàng trăm triệu đồng.
Các biển số kể trên đa phần đều được đấu giá khoảng đầu năm 2024, trong khi thời điểm hiện tại đã là cuối năm – thời gian để đăng ký cho các biển số xe này không còn nhiều.
Nhiều biển ô tô số đẹp được đấu giá hồi đầu năm nay đang được dân buôn bán cắt lỗ. (Ảnh minh họa)
Theo quy định của Thông tư 24/2023/TT-BCA thì biển số trúng đấu giá chỉ được chuyển nhượng một lần duy nhất, phải kèm theo một chiếc xe gắn với nó. Tuy nhiên, người trúng đấu giá chỉ có thời gian 12 tháng để gắn biển số lên xe. Nếu quá thời gian này, biển số sẽ được thu hồi về kho biển số.
Như vậy, nếu không đẩy được những biển số xe số đẹp đã “ôm” trước đó, nhiều dân buôn sẽ lỗ cực nặng. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người muốn kiếm lời từ một chính sách được đánh giá cao về sự minh bạch, công bằng của Nhà nước thời gian qua.
Theo Cục cảnh sát Giao thông, tính đến ngày 4/9 năm nay đã có 1,26 triệu biển số xe ô tô được đem ra đấu giá và số biển đấu thành công là 35.563 biển. Tổng giá trị tài sản đấu giá là hơn 3.281 tỷ đồng, trong đó số tiền người trúng đấu giá đã nộp là 3.026 tỷ đồng.
Một số biển được trả giá cao như: 51K-888.88 (15,265 tỷ); 30K-555.55 (14,495 tỷ); 11A-111.11 (8,780 tỷ); 72A-777.77 (6,850 tỷ); 88A-666.66 (6,705 tỷ); 36A-999.99 (5,285 tỷ)…