Thủ tướng cho biết đã đề nghị tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ, theo Tuổi trẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thông tin này tại hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây dựng tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ. Ảnh: VGP
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá quy hoạch đã tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… với một thành phố đất hẹp người đông, còn nhiều vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.
Theo Thủ tướng, điểm nghẽn, thách thức lớn của TP.HCM là thành phố đông dân nhưng đất chật người đông. Do vậy quy hoạch TP.HCM phải định hướng mở rộng không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị – metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên trên cao và nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người dân. Thời gian tới, thành phố dự kiến tiếp tục khai thác không gian ngầm.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết đã trao đổi với ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ.
“Tôi có trao đổi anh Vượng Vingroup (tỷ phú Phạm Nhật Vượng) xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh đồng tình và rất say sưa”, Thủ tướng nói.
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn. Đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng TP.HCM phát triển với “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm phải ra kết quả…
Theo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch TP.HCM: Quy hoạch, các định hướng, ưu tiên phát triển của TP.HCM, đến năm 2050, TP.HCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.
Quy hoạch xác định 2 hành lang, 3 tiểu vùng, 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển, cấu trúc không gian đa trung tâm.
2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua TP.HCM và hành lang vùng sông Đồng Nai – Sài Gòn – Thị Vải – Soài Rạp.
3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng TP. Thủ Đức; tiểu vùng khu vực ngoại thành.
9 trục không gian chủ đạo gồm 4 trục Đông – Tây và 5 trục Bắc – Nam; 1 trục không gian ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TP.HCM đến Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai.
Chủ đề: Tin tức bất động sản TPHCM