Những trường hợp sau con dâu sẽ được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng, hãy cùng tìm hiểu.
Di sản thừa kế là gì?
Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu định nghĩa di sản thừa kế là gì như sau:
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Theo đó, di sản thừa kế có các đặc điểm sau đây:
– Là tài sản của người chết (người để lại di sản thừa kế) để lại cho người khác sau khi người để lại di sản thừa kế chết.
– Gồm: Tài sản riêng của người để lại di sản thừa kế, phần tài sản của người để lại di sản thừa kế trong tài sản chung với người khác. Do đó, di sản thừa kế có thể là tiền, tài sản gồm bất động sản, động sản (nhà, đất, công trình gắn liền với đất…), giấy tờ có giá. Có thể kể đến một số loại tài sản thường gặp gồm:
Di sản thừa kế là gì?
Tiền, vàng, đá quý, đồ trang sức khác.
Nhà ở, đất ở hình thành do mua bán, tặng cho, thừa kế… nhà ở hình thành trong tương lai…
Cổ phần, chứng khoán…
– Được định đoạt sau khi người để lại di sản thừa kế chết theo hai hình thức: Theo di chúc hoặc được chia theo pháp luật. Trong đó, điều kiện để chia di sản thừa kế theo hai phương pháp kia như sau:
Theo di chúc: Người để lại di sản thừa kế có lập di chúc hợp pháp để lại tài sản của mình cho người khác (có thể là bất cứ ai theo ý muốn cả người để lại di sản thừa kế).
Theo pháp luật: Khi không có di chúc, có di chúc nhưng không hợp pháp hoặc một phần di chúc không hợp pháp… thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, pháp luật sẽ chia thừa kế căn cứ theo hàng thừa kế.
Như vậy, di sản thừa kế là tài sản của cá nhân (tài sản riêng và một phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác) để lại cho người khác sau khi người này chết.
Con dâu có thuộc hàng thừa kế của bố mẹ chồng không?
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, hàng thừa kế của bố mẹ chồng gồm ba hàng thừa kế như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Con dâu có thuộc hàng thừa kế của bố mẹ chồng không?
Trường hợp con dâu được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng
Trường hợp 1: Bố mẹ chồng chết có để lại di chúc cho con dâu
Nhiều gia đình, người con dâu có khi lại là người gần gũi, chăm sóc cha mẹ chồng nhiều hơn con đẻ. Bởi thế, khi cha mẹ chồng chết đi thường để lại di chúc phân chia tài sản của mình cho con dâu.
Bởi Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ quyền được chỉ định người thừa kế của người để lại di chúc. Do đó, người con dâu sẽ được hưởng phần di sản thừa kế từ cha mẹ chồng theo định đoạt trong di chúc.
Đồng nghĩa là, người con dâu được chỉ định là người được hưởng thừa kế trong di chúc hợp pháp của bố mẹ chồng mà không từ chối nhận di sản thì sẽ được hưởng di sản thừa kế.
Lưu ý: Nếu người con dâu từ chối nhận di sản thì người này sẽ không được hưởng di sản. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản không được nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình với người khác.
Trường hợp 2: Con dâu được hưởng thừa kế từ chồng
Ngoài trường hợp người con dâu được nhận di sản thừa kế từ di chúc của bố mẹ chồng thì còn có 01 trường hợp con dâu được nhận di sản thừa kế của cha mẹ chồng.
Đó là, người con dâu có thể được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng trong trường hợp con trai của người để lại di sản thừa kế chết sau khi cha mẹ chết.
Lúc này, sau khi cha mẹ chồng chết mà không để lại di chúc thì người con trai sẽ được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
Nếu sau đó người này cũng chết thì phần di sản thừa kế mà người này được hưởng từ cha mẹ sẽ chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất của người này gồm: vợ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi, con đẻ.
Bởi vậy, khi người chồng chết sau khi bố mẹ chồng chết thì người con dâu có quyền được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng.