Sức ép từ các hãng xe công nghệ khiến kết quả kinh doanh của Vinasun ngày càng xuống dốc. Công ty lên kế hoạch “thay máu” dòng xe, học hỏi theo Xanh SM.
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – HoSE: VNS) – ông lớn nhóm taxi truyền thống công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu 253 tỷ đồng (-17% YoY) và lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng (-58% YoY). Công ty đã trải qua 4 quý liên tục sụt giảm doanh thu và 8 quý liên tục sụt giảm lợi nhuận.
Lý giải nguyên nhân, hãng taxi này cho biết đang tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho anh em lái xe và đối tác.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun ghi nhận doanh thu 532 tỷ đồng (-15% YoY) trong đó: vận tải hành khách bằng taxi đạt 448 tỷ đồng (-14% YoY), vận tải hành khách theo hợp đồng 77 tỷ đồng (-18% YoY), dịch vụ khác mang lại 7 tỷ đồng (-50% YoY). Biên lợi nhuận gộp còn 18% so với mức 22% của 6 tháng đầu năm 2023. Sau khi trừ đi các chi phí, công ty lãi ròng 39 tỷ đồng (-58% YoY).
Năm 2024, Vinasun đặt mục tiêu “đi lùi” với doanh thu 1.107 tỷ đồng (-10% YoY) và lợi nhuận 81 tỷ đồng (-47% YoY). Sau 6 tháng, công ty hoàn thành 48% kế hoạch đề ra.
Doanh thu và lợi nhuận của Vinasun ‘downtrend’
Về tình hình tài chính, ở ngày 30/6, quy mô tài sản đạt 1.599 tỷ đồng (giảm 54 tỷ so với ngày đầu năm) bao gồm: tài sản cố định 1.025 tỷ đồng; tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 392 tỷ đồng; còn lại là tài sản khác.
Vốn chủ sở hữu là 1.105 tỷ đồng và nợ phải trả 494 tỷ đồng, trong đó, nợ vay 321 tỷ đồng. Trừ đi lượng tiền mặt đang nắm giữ, Vinasun không có nợ vay ròng.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gọi xe, Xanh SM dẫn dắt cuộc chơi
Vinasun thành lập vào năm 1995 và có quá trình tăng trưởng thần tốc đến đỉnh cao vào năm 2016 khi đạt doanh thu 4.520 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 311 tỷ đồng và sở hữu 6.141 xe (cuối năm 2015). Địa phận hoạt động tại khu vực miền Nam như TP. HCM, Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
Đây cũng là giai đoạn các hãng xe công nghệ như Grab, Uber, Be… bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Sự thuận tiện kèm mức giá phải chăng, minh bạch khiến người dùng dịch chuyển xu hướng sang dùng dịch vụ mới. Sau khi đạt đỉnh vào 2016, kết quả kinh doanh của Vinasun liên tục sụt giảm các năm sau đó. Đến ngày 31/12/2023, công ty còn sở hữu 2.590 xe (giảm 3.551 xe sau 8 năm).
Khi đặt xe công nghệ đã trở thành thói quen, taxi Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra đời vào nửa đầu năm 2023 và lên như diều gặp gió. Một năm sau ngày thành lập, công ty này chiếm lĩnh 18,17% thị phần gọi xe (xếp thứ 2) với 16.100 phương tiện. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun… chia nhau 8,07% thị phần.
Sức ép không chỉ đến từ việc giành thị phần, Xanh SM còn tạo ra xu hướng chuyển đổi dòng xe xăng sang xe điện trong bối cảnh toàn cầu đang chung tay để cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải, giảm ô nhiễm. Người tiêu dùng cũng nhận thức được các vấn đề về môi trường và đón nhận tích cực đối với các dòng xe điện.
Từ đó, các hãng taxi truyền thống cũng buộc phải gia nhập cuộc chơi mới. Tại đại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Vinasun đã trình cổ đông kế hoạch chi 630 – 650 tỷ đồng để đầu tư 700 xe Hybrid của Toyota trong năm nay để chạy taxi giữa bối cảnh taxi công nghệ, taxi điện đang là trào lưu.
Vinasun khẳng định, việc đầu tư chuyển đổi từ xe xăng truyền thống sang xe Hybrid đã được Ban lãnh đạo nghiên cứu kỹ lưỡng. Với các xe Hybrid, Vinasun không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành nhờ tiết kiệm nhiên liệu và không cần thời gian sạc pin, mà còn giảm thiểu khí thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường.
Song song, doanh nghiệp thực hiện thanh lý và bán trả chậm 500 xe chạy xăng. Dự tính, cuối năm nay, Vinasun sở hữu 2.790 xe (tăng 200 xe so với ngày đầu năm).