Bức tranh này vẽ chân dung gia đình 4 người nhưng lại gây tranh cãi khi bé gái vẽ người thân trong tư thế khó hiểu.
Cha mẹ nào cũng hy vọng con mình có thể trở thành một người thành đạt và xuất sắc trong tương lai, vì vậy họ đã đưa con vào khuôn nếp ngay từ nhỏ, thông qua việc cho con tham gia các lớp ngoại khóa ngoài giờ học chính khóa. Một trong những bộ môn được quan tâm nhiều đó là Vẽ. Thông qua môn học này, ngoài việc được phát triển năng khiếu hội họa, các em cũng được rèn luyện tính kiên nhẫn và óc quan sát.
Một cậu nhóc tại Trung Quốc được mẹ đăng ký cho tham gia một lớp học vẽ. Tuy em chưa phải là có người có năng khiếu ngay từ đầu nhưng gia đình mong muốn thông qua bộ môn này, em có thể trau dồi khả năng của mình. Đề bài đầu tiên mà em được nhận từ lớp học là vẽ lại chân dung của gia đình mình.
Cậu bé đã đem đề bài này và thực hiện trong một buổi tối để hôm sau đem đến lớp trả bài cho cô ngay. Bức tranh của cậu bé nhanh chóng thu hút sự chú ý của cô giáo không phải bởi vì nét vẽ xuất sắc mà bởi cách mà học trò này vẽ về gia đình của mình. Theo đó, cậu bé vẽ cả nhà 4 người của mình trông khá xiêu vẹo nhưng điểm chung là ai cũng có một sợi dây kéo dài từ cổ lên trông không khác gì tư thế… tự sát.
Nội dung bức tranh khiến giáo viên vô cùng hoảng hốt và cho rằng đứa bé này đang gặp vấn đề về tâm lý. Do đó, cô đã tìm số điện thoại và liên hệ với phụ huynh học trò ngay. Sau khi nhận được cuộc gọi, người mẹ lật đật chạy đến lớp xem thử tình hình thế nào. Vị phụ huynh này cũng được cô giáo cho xem qua bức tranh mà con mình vẽ, nhưng thay vì thái độ lo lắng như ban đầu, lúc này người mẹ bật cười thành tiếng và cho biết cô giáo đang hiểu lầm.
Thì ra, thứ đứa trẻ vẽ không phải là tư thế treo cổ mà đó là cảnh cả 4 người đang đi du lịch và tham gia trò chơi lặn biển trong kỳ nghỉ hè. Sợi dây lòng thòng lại chính là dây đai an toàn nhưng cậu bé không thể hiện được vị trí sợi dây được cố định ở quanh vùng hông nên đã phải kéo từ phía cổ kéo lên.
Khi biết được sự thật, cô giáo đã gửi lời xin lỗi nhưng vị phụ huynh kia cũng tỏ ra rất thiện chí và không trách móc gì cô giáo, ngược lại, người mẹ còn cho rằng giáo viên của con mình là người rất có trách nhiệm, lại thương học trò.
Nhiều ý kiến cho rằng cô giáo đã quan sát được vấn đề tâm lý của trẻ qua những nét vẽ. Dù chưa biết rõ sự việc song hành động tìm hiểu ngay vấn đề và tìm gặp phụ huynh sớm để trao đổi cho thấy cô giáo hoàn toàn đang làm tròn bổn phận của mình. Ở môi trường giáo dục, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình để dạy dỗ con cái là điều vô cùng cần thiết.
Sau đây là 1 số lời khuyên của cha mẹ:
1. Tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau
Sau khi cho con đi học, nhiều phụ huynh cho rằng việc giáo dục con cái không liên quan gì đến mình và “khoán” hoàn toàn nhiệm vụ ấy cho giáo viên và nhà trường. Trên thực tế, quan điểm này là sai lầm, để nuôi dạy những đứa trẻ có phẩm chất tốt cần sự chung sức từ hai phía, bởi ở lớp giáo viên không thể toàn tâm toàn ý lo cho con bạn vì còn rất nhiều học sinh khác, việc giúp con trau dồi các bài học, kỹ năng khác khi về nhà là điều nên làm.
2. Giao tiếp nhiều hơn
Giao tiếp là gốc rễ của nhiều vấn đề. Chẳng hạn muốn biết thành tích của con mình ở trường, bạn nên dành thời gian trao đổi với giáo viên. Hoặc nếu bạn muốn hiểu con trẻ đang nghĩ gì thì hãy tìm hiểu bằng một cuộc trò chuyện, cô giáo cũng có thể làm như thế với học trò để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với tính cách đứa trẻ. Giao tiếp đa chiều sẽ đem đến hiệu quả không ngờ.
3. Tin tưởng lẫn nhau
Khi cho con đi học, một số phụ huynh tỏ ra nghi ngờ giáo viên, nghĩ rằng liệu cô giáo có dạy được con mình tốt không, thực tế, suy nghĩ như vậy của phụ huynh rất nguy hiểm. Cha mẹ nên dành đủ sự tin tưởng cho giáo viên, điều này không chỉ mang lại cảm hứng công việc cho người đứng lớp mà còn để trẻ học cách trưởng thành một cách độc lập.
4. Thống nhất cách giáo dục
Giáo viên có cách giáo dục học trò riêng. Cha mẹ đương nhiên có những yêu cầu nhất định trong việc dạy dỗ con cái. Nếu có mâu thuẫn giữa các phương pháp giáo dục lúc này, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên để thay đổi sao cho phù hợp, tránh để trẻ tiếp nhận hai phương pháp giáo dục quá khác biệt để không gây phiền toái cho trẻ.