Viên đá không có tội, vấn đề là vỉa vè dành cho người đi bộ, nay xe máy, ôtô lao hết cả lên thì kim cương cũng chẳng chịu nổi.
Tranh thủ những ngày đầu thu Hà Nội, tôi tản bộ trên vỉa hè mấy con phố trung tâm, ngắm nhìn thủ đô đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Đang trong cơn miên man, tôi bỗng bước hẫng một nhịp, lảo đảo, suýt ngã. Giật mình nhìn xuống chân, hóa ra tôi vừa vấp phải cái hố trên vỉa hè. Quan sát kỹ hơn, tôi thấy đoạn đường phải trước chẳng chịt những ổ gà, ổ voi vì đá lát vỉa hè vỡ nát, sụt lún từng mảng lớn.
Cũng như nhiều tuyến phố khác của Hà Nội, con đường này được lát toàn bộ vỉa hè bằng loại đá được giới thiệu có độ bền “vĩnh cửu”, tuổi thọ từ 50 – 70 năm. Nhưng kỳ lạ là cứ đầu năm thành phố ra quân lát lại đá vỉa hè tinh tươm, thì đến giữa năm tôi lại thấy công nhân hì hục lật lên đục phá và làm lại vì nhiều chỗ vỡ toác, hư hỏng nặng nề.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Nhưng thực tế, khi đưa vào sử dụng vài năm, nhiều vỉa hè lát đá xuất hiện tình trạng xuống cấp trầm trọng. Phải chăng chất lượng đá có vấn đề, thay công tác thi công không được đảm bảo?
Tất nhiên, đó cũng có thể là một lý do dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng của vỉa hè các tuyến phố. Nhưng tôi nghĩ, có một nguyên nhân còn lớn hơn rất nhiều, đó là ý thức của người dân khi sử dụng vỉa hè. Không khó để nhận ra, trên đoạn vỉa hè mà tôi đang đi, không chỉ có người đi bộ. Thay vào đó, tôi còn thấy cả xe máy, thậm chí là ôtô trưng dụng vỉa hè làm chỗ đỗ xe.
Người ta hay nói: “Của bền tại người”. Kết cấu thiết kế vỉa hè là để dành cho người đi bộ, nhưng người ta cứ vác xe máy với ôtô lên đỗ và đi lại thì hỏng sau bảy tháng cũng chẳng có gì khó hiểu. Đá lát vỉa hè đúng là tuổi thọ rất cao. Song, nó phải được lát trên nền cát gia cố xi măng tốt thì mới chịu được lực tải của ôtô, xe máy. Còn nếu nền bên dưới chỉ là một lớp cát mỏng, được đầm bằng cách tưới mấy gáo nước thì chỉ dăm bữa nửa tháng là nứt toác ngay.
Có một điều tôi thấy rất khó chịu, đó là ở ta, cứ làm vỉa hè đẹp đẽ, khang trang xong là đa số là cho thuê làm chỗ đậu xe máy, ôtô, thậm chí là cả xe tải. Khi cái vỉa hè phải gánh trên mình lượng trọng tải vượt quá hàng chục, hàng trăm lần thiết kế ban đầu của nó thì thử hỏi làm sao mà đá lát không bị vỡ?
Chưa kể, cứ ra đường vào giờ cao điểm mà xem, cái vỉa hè trông không khác gì một con đường cho xe máy và cả ôtô đi lại. Các phương tiện cứ thay nhau dày qua xéo lại, có là kim cương cũng nát chứ đừng nói tới đá xẻ. Đá vỉa hè dù độ bền lớn tới đâu cũng phải nhựa đường cho xe chạy. Nên nhớ, công năng của vỉa hè là gì và nó khác xa với đường lộ. Khi xe máy, ôtô cứ leo lề mà chạy, thì có thay đá lát bằng nhựa đường cũng chỉ vài năm lại hỏng.
Tóm lại, đá lát bền hay không là tùy vào ý thức của người sử dụng. Cứ làm đúng công năng của cái vỉa hè thì tôi tin vài chục năm may ra mới hỏng nhẹ. Còn chừng nào cứ để ôtô, xe máy trèo lên, thì đừng nói một năm, có khi tháng trước tháng sau đã chẳng còn nguyên vẹn.