Mới đầu mùa mưa, miền núi Quảng Nam đã xuất hiện những điểm sạt lở mới, đe dọa các khu dân cư và nhiều tuyến giao thông. Hàng trăm người dân phải sơ tán, tìm nơi ở mới.
Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bất thường
Chị Hồ Thị Diệp tất tả ngược con dốc quay về làng Tăk Chay, thôn 5, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, để nhặt nhạnh lại vài đồ dùng còn sót lại, bắt đầu công cuộc tái thiết. Trước mắt chị, cả ngôi làng Xơ Đăng bình yên bao năm dựa lưng vào núi, giờ chỉ còn lại đống đổ nát, hoang tàn. Nhà cửa, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Dưới nền đất có vết nứt dài chạy dọc qua ngay phía sau bếp nhà. Thẫn thờ trên nền nhà cũ, chị Diệp kể lại: “Mưa lớn ầm ào, xối xả khiến bà con run rẩy, thức trắng cả đêm không dám ngủ, đến khoảng 2 giờ sáng thì xảy ra sạt lở. May mà sơ tán kịp”.
Đêm 18.9, sau cơn mưa lớn kéo dài nhiều ngày, ta luy âm trước làng Tăk Chay bị sạt lở, bà con phải thức trắng đêm trong nơm nớp lo sợ. Ngoài phần đất đã bị sạt, các nền nhà khác trong làng cũng bắt đầu xuất hiện vết nứt dài, buộc 33 hộ dân với 171 nhân khẩu phải sơ tán khẩn cấp ngay trong đêm, bỏ lại sau lưng là toàn bộ gia sản tích góp cả đời.
Theo đề án phòng, chống thiên tai của Quảng Nam, toàn tỉnh có đến 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, với hàng nghìn hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung ở miền núi. Tuy nhiên, làng Tăk Chay vốn không nằm trong danh sách các địa điểm phải di dời do ảnh hưởng mưa lũ, nhưng thực tế đã cho thấy diễn biến phức tạp và khó lường của thiên tai.
Riêng huyện Nam Trà My có 39 khu dân cư (11.780 người) có nguy cơ sạt lở. Đến nay, đã sơ tán khẩn cấp 63 hộ/269 nhân khẩu bị ảnh hưởng sạt lở đến nơi an toàn.
“Qua kiểm tra, khảo sát hiện trường các điểm sạt lở và trên đầu nguồn, lực lượng phòng chống thiên tai của huyện đã phát hiện nhiều vết nứt, gãy. Toàn bộ người dân trong danh sách sơ tán khẩn cấp đã được di dời đến nơi ở tạm an toàn. Địa phương thực hiện song song hai nhiệm vụ là đảm bảo tính mạng, tài sản cho nhân dân và triển khai xây dựng khu dân cư mới đã quy hoạch trước đó” – ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với các xã hiện nay là mưa ngày càng lớn, đã xuất hiện những điểm sạt mới, nằm ngoài dự đoán của địa phương.
Đặt an toàn của dân lên hàng đầu
Tại huyện Nam Giang, dù mưa không lớn nhưng ngọn đồi phía sau thôn 56B thuộc xã biên giới Đắc Pre cũng đã xuất hiện vết nứt lớn kéo dài chạy dọc quả đồi, có chiều sâu từ 1,5m đến 5m, chiều dài 123m. Nhiều đoạn có dấu hiệu sụt trượt, lún sâu theo lớp tầng, đường nứt mở rộng và ngấm nước nhiều ngày, nguy cơ đất sụt đổ bất cứ lúc nào. Cả ngôi làng 11 hộ dân/41 nhân khẩu dưới chân đồi phải sơ tán khẩn cấp.
Ông Un Groanh, người Giẻ Triêng, sống tại thôn 56B bất an: “Bà con ai cũng rất lo sợ trước nguy cơ sạt lở xảy ra. Mong muốn các cấp chính quyền chỉ đạo, quan tâm để người dân sớm có chỗ ăn, chỗ ở đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay”.
Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – khẳng định, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ sạt lở quả đồi rất lớn, chôn vùi cả ngôi làng này. Tình hình hiện rất nguy hiểm, khu dân cư này không thể ở được nữa.
Lãnh đạo Quảng Nam đã thăm hỏi, tặng quà động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn, tuyệt đối không quay trở lại làng cũ trong thời điểm này đồng thời, chỉ đạo chính quyền huyện Nam Giang khẩn trương, tìm kiếm vị trí mới an toàn để bố trí tái định cư cho người dân, đến nơi ở mới, trước Tết Nguyên đán năm nay.
Dự kiến, tổng kinh phí để bố trí tái định cư cho 11 hộ dân thôn 56B khoảng hơn 6 tỉ đồng, mỗi hộ được hỗ trợ 115 triệu đồng. Khu tái định cư này được nhà nước đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm…
Kiểm tra hiện trường sạt lở tại huyện Nam Trà My, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “An toàn tính mạng của người dân là trên hết. Không ai di dời bà con đến nơi ở mới mà không bằng nơi ở cũ và không đảm bảo an toàn đâu, cho nên bà con yên tâm. Các lực lượng bộ đội, công an, dân quân, thanh niên cần hỗ trợ tốt nhất để người dân vùng sạt lở sớm an cư. Huyện phải theo dõi đời sống người dân khi di dời, ở tạm thời, tuyệt đối không để người dân thiếu đói”.
News
Từ 11/2024: Sang tên xe chính chủ không cần chủ cũ, chỉ cần mang đúng 1 loại giấy tờ này, thủ tục cực đơn giản mà không tốn tiền
Nhiều người mua xe cũ đi làm thủ tục sang tên xe chính chủ để được cấp biển số định danh nhưng phải mang hồ sơ về…
Tin vui: Nhà tạm, nhà trong quy hoạch chính thức được cấp sổ đỏ
Việc cấp sổ đỏ cho nhà tạm, nhà trong quy hoạch treo đang làm nức lòng người dân tại TP.Thủ Đức cũng như tạo nên kỳ vọng…
Từ 1/2025: Người có bằng A1 không được phép lái SH, bằng B1 bị cấm lái ô tô?
Bằng B1 bị cấm lái ô tô, bằng lái xe A1 không được phép lái xe Honda SH,… là những thông tin gây chú ý trong dự…
Tin vui cho người 60t không có lương hưu từ 1.7.2025
Công dân Việt Nam 60 tuổi trở lên không có lương hưu có số lượng khá nhiều, vậy 60 tuổi không có lương hưu được hưởng chính…
Mất bằng lái gốc, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra dùng GPLX trên VNiID có được chấp nhận không? Người dân cần biết để không mất tiền oan
Hiện nay, rất nhiều thông tin cá nhân được tích hợp trên ứng dụng VneID. Liệu trường hợp mất bằng lái gốc, tài xế có được phép…
Kể từ nay trở đi, những trường hợp này sẽ bị thu hồi Giấy phép lái xe, càng cố tình giữ lại lại càng bị phạt nặng
Theo quy định những trường hợp này bị thu hồi giấy đăng ký xe và biển số xe, ai cũng nên thực hiện sớm. Giấy đăng ký…
End of content
No more pages to load