Ở nhiều trường học, trong dịp nghỉ Tết Âm lịch, giáo viên sẽ được phân công đến trực Tết và điều này đang khiến giáo viên phản đối vì có nhiều bất cập.
Giáo viên có phải trực Tết không?
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một số giáo viên bất bình về việc phân công trực Tết Nguyên đán. Mặc dù trực Tết đã có quy định rõ ràng, tuy nhiên, hiệu trưởng một số trường vẫn phân công giáo viên phải trực Tết nên đây là chủ đề gây tranh cãi mỗi năm.
Cô Nguyễn Thu Hương, một giáo viên Tiểu học cho biết: “Vào dịp Tết Nguyên đán việc phân công trực Tết của hiệu trưởng gây rất nhiều bức xúc đối với giáo viên nhưng hầu như giáo viên thường ậm ừ mà không dám ý kiến. Trong khi đó, hiệu trưởng thường phân công theo kiểu ép buộc và trực Tết không công. Cứ trước ngày nghỉ là hiệu trưởng gửi bảng phân công trực Tết (đủ các loại thành phần) mà không cần hỏi xem giáo viên có đồng ý trực hay không và chỉ yêu cầu những người có tên trong danh sách thực hiện nghiêm túc, không trực thay.
Nhiều giáo viên bức xúc khi phải đến trường vào dịp Tết. Ảnh minh họa: Tào Nga
Vấn đề bức xúc của giáo viên khi bị phân công trực Tết ở đây là người được phân công không có quyền đồng ý hay không đồng ý. Đã có tên trong danh sách là phải trực. Một số giáo viên quê ở xa, chỉ về quê vào mỗi dịp năm hết Tết đến, vẫn phải trực mà không biết làm sao. Nếu muốn đổi thì lại phải nhờ vả, xin xỏ hiệu trưởng tạo điều kiện”.
Thầy Nguyễn Minh Đức, một giáo viên THPT cũng đặt câu hỏi: “Giáo viên trực Tết để làm gì? Trông trường ư? Đấy là nhiệm vụ, công việc của bảo vệ. Tiếp khách ư? Đó là việc của lãnh đạo. Thế nhưng hiệu trưởng lại bắt thầy cô đến trường trực trong ngày Tết. Nghỉ Tết phải là nghỉ hết chứ, trừ những trường hợp đặc biệt như quân đội, bệnh viện, cảnh sát, phòng cháy… còn khối hành chính sự nghiệp thì không hiểu đến trường để làm gì”.
Rất nhiều giáo viên khác cũng cho biết phải đến trông trường cùng bảo vệ vào mấy ngày nghỉ Tết: “Năm nào cũng vậy, trường tôi mỗi giáo viên sẽ trực 1 ngày và 3 người cùng trực với bảo vệ” hay “Trường tôi năm nào giáo viên cũng phải trực Tết, không có tiền gì và trực 1 ca sáng hoặc chiều”.
Giáo viên có được từ chối trực Tết không?
Liên quan đến việc trực Tết của giáo viên, trao đổi với Dân Việt, TS. Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi nói: “Trong lĩnh vực giáo dục thì người lao động có thể là công chức, viên chức, người lao động theo hợp đồng, tùy vào từng vị trí công tác và nhu cầu công việc.
Những người là công chức, viên chức thì hoạt động theo quy định của pháp luật về luật công chức, luật viên chức. Những trường hợp làm việc theo hình thức hợp đồng thì phải tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng đã được ký kết với cơ sở giáo dục.
Thời giờ làm việc, thời gian làm việc và các nhiệm vụ khác được quy định trong các văn bản luật, trong nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong hợp đồng lao động với người lao động. Bởi vậy, nếu người lao động được yêu cầu thực hiện một công việc không có trong hợp đồng, không có trong nội quy quy chế và không phù hợp với quy định của pháp luật thì có quyền phản hồi, kiến nghị, thậm chí có quyền từ chối thực hiện công việc đó.
Đối với công việc trực tiếp ở các cơ sở giáo dục đào tạo nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung sẽ được thực hiện theo nội quy, quy chế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị, vị trí công tác.
Những người làm việc vào ngày nghỉ lễ, ngày Tết sẽ được hưởng lương theo quy định của bộ luật lao động. Các cơ sở giáo dục sẽ có lịch nghỉ Tết rất cụ thể và thông báo trước cho cán bộ công nhân viên, giảng viên, giáo viên của cơ sở giáo dục và thông báo cho các học sinh. Tuy nhiên vẫn có những vị trí công tác, những công việc đặc thù phải hoàn tất hoặc phải tiếp khách của cơ quan đơn vị nên vẫn có thể phát sinh những vị trí công tác làm việc trong ngày nghỉ. Họ sẽ được hưởng chế độ quyền lợi của người của người lao động làm việc ngoài giờ, ngoài tiền lương mà họ đang được hưởng.
Vì vậy, căn cứ vào đặc thù của cơ quan đơn vị, căn cứ vào nội quy quy chế, hợp đồng lao động hoặc vào các quy định của ngành mà thủ trưởng đơn vị có quyền điều động, phân công công việc đối với các cán bộ, giảng viên, nhân viên của nhà trường để thực hiện các công việc phù hợp với năng lực, vị trí công tác trong dịp Tết Nguyên đán.
Nếu không đồng ý với sự phân công điều động của thủ trưởng đơn vị, người lao động có quyền phản hồi, đề nghị giải thích, thậm chí có quyền khiếu nại đối với các quyết định này theo quy định của pháp luật”.