Bộ Công an đề xuất phạt từ 0,8-1 triệu đồng nếu để trẻ dưới 10 tuổi ngồi cùng hàng ghế với người lái ô tô khi tham gia giao thông.
Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế riêng
Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
Bộ Công an đề xuất phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe.
Cùng mức phạt trên, Bộ Công an đề xuất các hành vi sẽ bị xử phạt gồm: Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường, chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy, chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.
Trước đó, ngày 27/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026. Trong Luật này có một số quy định liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ngồi trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, khoản 3 Điều 10 của Luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái ô tô khi tham gia giao thông.
Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ghế trước là các vị trí nguy hiểm nhất trên ô tô trong những trường hợp va chạm. Khu vực này sẽ tiếp xúc gần và trực tiếp với các chướng ngại vật hoặc nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn so với ghế phía sau xe.
Hệ thống an toàn chính của ô tô, bao gồm túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho người lớn.
Trẻ em có thể trạng nhỏ hơn, không phù hợp với các hệ thống này. Không may, trong trường hợp xảy ra tai nạn, do không được bảo vệ tốt nhất, trẻ em có thể gặp nguy hiểm hơn người lớn so với cùng một vị trí ngồi.
Nhiều nước trên thế giới đã quy định
PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng cho biết, hiện có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân.
Đơn cử như trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines là dưới 12 tuổi hoặc dưới 150cm.
Nhiều nước trên thế giới cấm trẻ em có chiều cao dưới 1,35m trên ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
“Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương năm 2021, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, TP.HCM 1,1%, Đà Nẵng 0%”, ông Cường nói và nhấn mạnh việc sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông và trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn. Trẻ chỉ có thể dùng dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 150cm.
Theo TS Dương Khánh Vân (cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới WHO), nghiên cứu từ WHO khẳng định ghế sau là vị trí an toàn nhất dành cho trẻ. Đồng thời việc sử dụng thiết bị an toàn chuyên dụng giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em khi xảy ra va chạm.
Trong đó, đối với trẻ 8-12 tuổi, việc sử dụng đệm nâng giúp giảm tới 19% các thương tích không gây tử vong khi so sánh với trẻ chỉ sử dụng dây an toàn.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Xuân Hằng (chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết, thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô giúp giữ trẻ không bị văng khỏi chỗ ngồi khi xảy ra va chạm, ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài đồng thời phân bố lực tác động trên diện rộng. Từ đó, thiết bị giúp bảo vệ đầu, cổ, não của trẻ – những bộ phận nhạy cảm chưa được phát triển hoàn thiện ở lứa tuổi này.
“Việc sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em giúp giảm tỷ lệ tử vong 34-81%, giảm các chấn thương nghiêm trọng 35-72% và giảm các chấn thương khác 25-58%”, bà Hằng thông tin.