Nhiều người mua xe mới nhưng chưa được cấp biển số xe khi lưu thông trên đường có vi phạm Luật giao thông là thắc mắc của nhiều người.
Nhiều người mua xe mới nhưng chưa được cấp biển số xe khi lưu thông trên đường có vi phạm Luật giao thông là thắc mắc của nhiều người. Liệu có trường hợp nào xe chưa đăng ký biển số đi ra đường nhưng không bị phạt?
Trường hợp xe chưa đăng ký biển số đi ra đường nhưng không bị phạt
Theo khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phương tiện muốn tham gia giao thông trên đường phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trường hợp xe lưu thông trên đường mà chưa đăng ký, gắn biển số thì có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định:
-Người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng nếu vi phạm một trong các lỗi: điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số)… Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
-Đối với môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), mức phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Thông tư số 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an “Quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới” ban hành ngày 1/7/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, tại khoản 1 Điều 19 quy định: “Xe mới mua sau khi đăng ký tạm chỉ được phép di chuyển từ kho cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký xe hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác”.
Còn theo khoản 1 Điều 22 Thông tư này, xe mới mua được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời có giá trị sử dụng trong 15 ngày và được gia hạn một lần với thời hạn tối đa 15 ngày. Tuy nhiên, xe đăng ký tạm thời chỉ được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong chứng nhận đăng ký xe tạm thời.
Đáng chú ý, khi xe chưa được gắn biển số chính thức nhưng người điều khiển phương tiện lại tự do đi lại ngoài tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong đăng ký xe tạm thời sẽ bị phạt các mức như sau:
-Với xe máy: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân; từ 1,6 đến 04 đồng đối với tổ chức (theo điểm g khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
-Với ô tô: Phạt tiền từ 14 đến 16 triệu đồng đối với cá nhân; từ 28 đến 32 triệu đồng đối với tổ chức (theo khoản 10 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Theo Thông tư số 24/2023/TT-BCA, hiện nay người mới mua xe có thể dễ dàng thực hiện thủ tục đăng ký xe tạm thời trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công Bộ Công an. Thời hạn giải quyết thủ tục này là 8 giờ làm việc kể từ khi Cổng dịch vụ công tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (căn cứ khoản 5 Điều 7 Thông tư 24/2023/TT-BCA). Lệ phí đăng ký xe tạm thời được xác định là 50.000 đồng/lần/xe.
Hướng dẫn các đăng ký, cấp biển số xe lần đầu (thực hiện tại cấp tỉnh)
Bước 1: Chủ xe đăng nhập cổng dịch vụ công kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe điện tử (theo mẫu số 01A/58) và nhận mã số thứ tự, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua địa chỉ thư điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại để làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe.
Bước 2: Đến Phòng Cảnh sát giao thông và cán bộ đăng ký xe tiếp nhận và nhập mã hồ sơ đăng ký trực tuyến của chủ xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe để kiểm tra thông tin khai báo đăng ký trực tuyến của chủ xe; in Giấy khai đăng ký xe điện tử trên hệ thống.
Trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thì khai giấy khai đăng ký xe (mẫu 01) theo quy định.
Bước 3: Hướng dẫn chủ xe ký và ghi rõ họ tên vào Giấy khai đăng ký xe và dán bản chà số máy, số khung của xe vào Giấy khai đăng ký xe điện tử.
Bước 4: Kiểm tra thông tin của chủ xe
Nhập số căn cước công dân, họ tên của chủ xe (đối với cá nhân), đổ dữ liệu căn cước công dân truyền sang cơ sở dữ liệu đăng ký xe; kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân của chủ xe: tên, địa chỉ chủ xe với nội dung thông tin về căn cước công dân trong Giấy khai đăng ký xe điện tử với giấy tờ của xe.
Kiểm tra, đối chiếu giấy tờ của người đến làm thủ tục đăng ký xe (đối với cơ quan, tổ chức).
Bước 5: Hóa đơn điện tử
Truy cập hệ thống đăng ký, quản lý xe, nhập mã xác thực hóa đơn điện tử ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử để kiểm tra thông tin hóa đơn điện tử, in hóa đơn điện tử và kiểm tra, đối chiếu thông tin, nội dung hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán xe, địa chỉ, người mua xe và đặc điểm, thông số của xe với hồ sơ xe. Trường hợp chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu hóa đơn điện tử thì yêu cầu chủ xe nộp hóa đơn bán xe theo quy định.
Bước 6: Chứng từ lệ phí trước bạ điện tử
Truy cập hệ thống đăng ký, quản lý xe, tìm kiếm mã hồ sơ lệ phí trước bạ điện tử ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử; tải và in dữ liệu điện tử lệ phí trước bạ và kiểm tra, đối chiếu nội dung hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ điện tử: thông tin của chủ xe (tên, địa chỉ), thông tin của xe (nhãn hiệu, số loại, số máy, số khung, loại xe), biển số xe (nếu có), giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ, số tiền lệ phí trước bạ, ngày nộp lệ phí trước bạ với hồ sơ xe.
Bước 7: Chứng từ nguồn gốc điện tử
Truy cập hệ thống đăng ký, quản lý xe, tìm kiếm chứng từ nguồn gốc của xe ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử, tải và in dữ liệu điện tử về chứng từ nguồn gốc của xe. Kiểm tra, đối chiếu nội dung thông tin dữ liệu tờ khai hải quan điện tử, thông tin dữ liệu xe sản xuất lắp ráp trong nước với nội dung ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử và hồ sơ xe.
Bước 8: Trường hợp hồ sơ không đảm bảo thủ tục theo quy định, thông tin dữ liệu điện tử không đầy đủ, không đúng so với hồ sơ xe hoặc không có thông tin dữ liệu điện tử: cán bộ đăng ký phải hướng dẫn cụ thể, đầy đủ một lần và ghi nội dung bổ sung vào Phiếu hướng dẫn bổ sung thủ tục đăng ký xe; ký, ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó.
Bước 9:
a) Trực tiếp đối chiếu nội dung trong giấy khai đăng ký xe với thực tế xe, gồm: Nhãn hiệu, loại xe, số máy, số khung, màu sơn, số chỗ ngồi, số chỗ đứng, số chỗ nằm, năm sản xuất, tải trọng và các thông số kỹ thuật khác; kiểm tra toàn bộ, chi tiết hình dáng kích thước, tổng thành khung, tổng thành máy của xe.
Trường hợp cơ quan Hải quan xác nhận xe chỉ có số VIN, không có số máy, số khung thì lấy số VIN thay thế cho số khung (chụp ảnh số VIN thay thế cho bản chà số khung), đóng số máy theo biển số.
Bước 10: Nhập thông tin chủ xe, thông tin xe vào hệ thống đăng ký, quản lý xe; cập nhật trạng thái: xe tạm nhập tái xuất, xe miễn thuế, xe được cơ quan đăng ký giải quyết đóng lại số khung, số máy (nếu có), xe thế chấp ngân hàng.
Bước 11: Hướng dẫn chủ xe kiểm tra thông tin
Chủ xe và xe, cấp biển số ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe theo quy định; ghi biển số vào giấy khai đăng ký xe.
Bước 12: Cấp giấy hẹn cho chủ xe; trường hợp chủ xe có yêu cầu chuyển chứng nhận đăng ký xe qua Bưu điện thì hướng dẫn chủ xe làm thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển phát chứng nhận đăng ký xe.
Bước 13: Thu lệ phí đăng ký xe theo quy định.
Bước 14: Trả biển số xe (hướng dẫn chủ xe lắp biển số vào vị trí theo thiết kế của xe); trường hợp xe ô tô chỉ lắp được 2 biển số dài hoặc 1 biển ngắn và 1 biển dài thì cho đổi biển số xe, kinh phí chủ xe chi trả theo quy định.
Bước 15: Hướng dẫn chủ xe kẻ, ghi biển số, khối lượng chuyên chở, khối lượng bản thân, tên chủ xe đối với các loại xe ô tô theo quy định.