Tết Nguyên đán đang cận kề, ngoài việc sắm mâm ngũ quả, mọi người nên chú ý đến những loài hoa có thể được đặt trên bàn thờ gia tiên.
Lọ hoa trên ban thờ nên để bên nào, trái hay phải là điều khiến nhiều người thắc mắc. Bởi việc dâng hoa lên tổ tiên thể hiện lòng thành kính của gia chủ đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đặt mấy lọ hoa trên bàn thờ sao cho phù hợp phải tùy thuộc vào từng gia đình.
Đặt một bình hoa – độc bình
Ông cha ta ngày xưa có nguyên tắc “đông bình tây quả” để bài trí hoa quả, lọ hoa trên ban thờ. Theo quy luật tự nhiên, mặt trời luôn mọc đằng Đông và lặn đằng Tây, cây cối phải ra hoa rồi mới kết trái. Vì vậy, để hợp ý trời đất thì lọ hoa phải được đặt ở hướng Đông, mâm ngũ quả đặt ở phía Tây.
Do đó, ban thờ gia tiên thường được đặt theo hướng Nam, bình hoa đặt bên trái ban thờ (phía đông) tượng trưng cho mùa xuân đơm hoa, còn đĩa quả đặt bên phải (phía tây) tượng trưng cho mùa Thu, nơi kết trái.
Đặt hai lọ hoa – song bình
Nếu trên ban thờ gia tiên có hai bình hoa thì gia chủ có thể sắp xếp đặt ở hai bên đối xứng, còn mâm ngũ quả đặt ở giữa trước bát hương tạo nên sự cân đối, sang trọng và thanh mát cho ban thờ.
Biết được cách bài trí lọ hoa, chúng ta cũng nên xem xét những loài hoa nào không nên để trên bàn thờ.
1. Hoa ly
Hoa ly là một loại hoa có vẻ quyến rũ, màu sắc hoa rất rực rỡ, kiêu sa. Tuy nhiên theo quan niệm phong thủy, người ta kiêng dâng loài hoa này lên ban thờ bởi tên gọi của chúng. Ly được cho là ly tán hay chia ly, chính vì vậy, tốt nhất bạn không dùng chúng để dâng trên ban thờ tổ tiên để mong cho mối quan hệ gia đình, dòng họ hay thậm chí là bạn bè, đồng nghiệp không bị ảnh hưởng thậm chí kể cả các Phật tử cũng tránh dùng hoa ly để lễ Phật.
2. Hoa đại (sứ, chămpa)
Hoa đại rất thơm và đẹp. Tuy nhiên, theo quan niệm của người xưa thì đây cũng là loài hoa không nên để trên ban thờ vì hình dáng hoa giống với bộ phận nhạy cảm ở nữ giới. Theo sự tích Lào thì hoa đại cũng không nên dùng trong chuyện tình yêu trai gái vì nó mang lại những điều không may mắn. Theo quan niệm, cây hoa này cũng là nơi trú ngụ của khá nhiều hồn ma, không nên đặt lên ban thờ.
3. Hoa lan móng rồng
Đây là loại hoa thơm nhưng không dùng để thờ cúng bởi cánh hoa giống móng rồng và tên gọi của hoa cũng không đẹp, chính vì vậy mà mọi gia đình nên tránh xa.
4. Hoa phong lan
Hoa phong lan thường được nhiều gia đình mua để trang trí ngày Tết. Tuy nhiên, nếu mà dâng lên Phật thì mọi người nên tránh, bởi hoa có nhiều màu rực rỡ. Mặt khác, chữ “phong” gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng nên cũng tuyệt đối không được cắm trên bàn thờ.
5. Hoa nhài
Hoa nhà là biểu tượng trong sạch, tinh khiết nhưng trong dân gian đây là loại hoa không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh.
6. Cúc vạn thọ
Ở miền Trung, cúc vạn thọ hay dùng vì dễ trồng dễ sống, có màu vàng tươi tắn, mang sự may mắn và thịnh vượng. Tuy nhiên theo các nhà phong thủy thì không nên để cúc vạn thọ lên ban thờ để tránh gặp những điều xui xẻo. Mặt khác, hoa cúc vạn thọ có mùi rất hôi nên không được nhiều gia đình sử dụng.
7. Hoa dâm bụt
Là loài hoa có màu đỏ, bông cũng đẹp nhưng không dùng thờ cúng vì tên hoa có chữ “dâm” đằng trước. Chính vì vậy nhiều người loại bỏ loài hoa này, không dùng để thờ cúng tổ tiên.
8. Hoa phù dung
Hoa phù dung có tên đẹp nhưng lại mau tàn, có tích không hay nên cũng không được dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và đặt lên ban thờ.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo