Tại bảng xếp hàng này, dâu tây – vốn thường bị đánh giá là “bẩn” nhất – chỉ đứng thứ 5, trong khi đó đứng đầu là loại quả mà mọi người thường không ăn phần vỏ.
Các nước ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, Đài Loan thường có trái cây tươi quanh năm. Trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C giúp chống oxy hóa và kali ổn định huyết áp. Ngoài ra, trái cây còn chứa nhiều loại flavonoid, anthocyanin, phytochemical tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên nếu mua trái cây mà không rửa kỹ, bạn có thể ăn cả thuốc trừ sâu.
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) Cheng Hanyu mới đây đã tổng hợp bảng xếp hạng mới nhất về 16 loại trái cây có tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất dựa trên kiểm tra của Bộ Nông Nghiệp. Theo Báo cáo nghiên cứu giám sát dư lượng thuốc trừ sâu hàng năm về trái cây và sản phẩm nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Đài Loan, trong số 4.119 loại trái cây được thử nghiệm, loại trái cây có tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất là chanh leo, riêng dâu tây thường hay bị mang tiếng “bẩn” nhất thì xếp ở vị trí số 5.
Trong bảng danh sách này, những loại trái cây không ăn vỏ chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu nhất, ngoài chanh leo còn có dưa hấu, đu đủ, vải thiều.
X% là tỷ lệ thực phẩm chứa dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn quy định.
3 bước rửa trái cây đúng cách để loại bỏ hóa chất
Rửa trái cây thế nào để loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu? So với các loại rau củ đòi hỏi bạn phải gọt vỏ, rửa từng lá thì việc rửa trái cây khá đơn giản. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan cho biết chỉ có 3 bước để loại bỏ thuốc trừ sâu khỏi trái cây:
– Rửa sạch phần cuống trái cây bằng nước
– Ngâm trái cây: Bỏ cuống và ngâm trong nước 15 phút
– Xả kỹ: Xả lại bằng nước sạch khoảng 2 đến 3 lần.
Chuyên gia về sức khỏe và liệu pháp ăn uống người Đài Loan Wang Mingyong từng viết bài chia sẻ mẹo làm sạch từng loại trái cây như sau:
– Các loại trái cây cần bỏ vỏ như chuối, vải, cam quýt… Dùng bàn chải lông mềm chà nhẹ dưới vòi nước chảy, sau đó bỏ vỏ và ăn.
Rửa trái cây đúng cách có thể giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu. (Ảnh minh họa)
Giáo sư Yan Ruihong, Khoa Hóa học Nông nghiệp thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan nhắc nhở rằng mặc dù các vết nứt trên quả có thể được làm sạch bằng bàn chải nhỏ nhưng một số phần cuống quả có thể khó làm sạch, trong trường hợp này chỉ cần cắt bỏ phần đó trước khi ăn.
Lưu ý, một số người có thói quen rửa trái cây bằng nước muối vì cho rằng nó có tác dụng diệt khuẩn và khiến chúng sạch hơn nhưng thực tế đây là một cách làm sai lầm. Tan Dunci, y tá tại Trung tâm chống độc lâm sàng của Bệnh viện Chang Gung Memorial đã giải thích rằng sau khi cho muối vào nước, do áp suất thẩm thấu thay đổi, thuốc trừ sâu dễ xâm nhập vào rau quả hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho thấy việc rửa trái cây bằng giấm và baking soda sẽ khiến thuốc trừ sâu có tính axit và kiềm bám vào, khiến việc làm sạch thuốc trừ sâu trong rau quả khó khăn hơn, gây phản tác dụng.
Bộ Nông nghiệp Đài Loan nhấn mạnh rằng dư lượng thuốc trừ sâu không đủ tiêu chuẩn trong trái cây và rau quả không có nghĩa là trái cây và rau quả đó độc hại, không thể ăn được. Việc kiểm tra này là để các cơ quan có thẩm quyền theo dõi xem thuốc trừ sâu có được bán và sử dụng đúng cách hay không.
Ngoài việc chú ý đến phương pháp làm sạch, người dân có thể cố gắng mua trái cây, rau quả theo mùa và lựa chọn những sản phẩm có nhãn an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, điều này có thể giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu trong trái cây mà bạn mua.