Cô Nguyễn Thị Đông, giáo viên toán tại Hà Nội, cho rằng, cảm hóa học sinh hư không thể bằng kỷ luật mà phải bằng tình yêu thương.
Trẻ mắc sai lầm là chuyện bình thường
Cô Nguyễn Thị Đông là giáo viên dạy toán bậc trung học cơ sở (THCS) tại Hà Nội. Gần 30 năm công tác, cô Đông đã gặp nhiều học sinh ngỗ nghịch. Nhưng với cô, không có học sinh nào hư hỏng, chỉ có học sinh chưa ngoan, phạm sai lầm.
“Trẻ con ở đâu cũng vậy, có đứa ngoan, có đứa chưa ngoan, có đứa hiền lành, có đứa hiếu động nghịch ngợm quậy phá, có đứa được cha mẹ dạy dỗ chu đáo, có đứa bị cha mẹ bỏ mặc.
Nhưng dù đứa trẻ như thế nào thì cũng sẽ mắc sai lầm. Trẻ mắc sai lầm là chuyện bình thường. Người lớn cũng như vậy. Nên tôi không thích ai mắng trẻ hư. Không nên quy kết sai lầm của trẻ là hư”, cô Đông nêu quan điểm.
Quảng cáo của DTads
Cô Đông từng gặp một nhóm học sinh ngỗ nghịch. Mỗi lần quậy phá, bị thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm phạt, nhóm học sinh này càng quậy phá hơn. Nhưng chỉ sau một lần cô giáo thay đổi cách ứng xử mà trò cũng thay đổi hành vi.
“Bọn trẻ này ghét thầy hiệu trưởng nên xe của thầy hiệu trưởng thường xuyên bị tháo van hơi, chọc thủng lốp. Thời đó chưa có camera giám sát nên không bắt được tận tay. Học sinh thì giấu cho nhau.
Đỉnh điểm là một lần tôi và cô giáo chủ nhiệm đi ngang qua lớp, chúng ném một chiếc bắp ngô ăn dở ra hành lang, sượt qua mặt cô. Cô chủ nhiệm giận quá, định vào lớp truy xem em nào đã ném bắp ngô nhưng tôi kéo ra.
Tôi bảo cô rằng em hãy giả vờ như là các con vô tình ném chơi đùa, không may đúng lúc cô đi qua. Đừng truy xét chúng, đừng làm mất thể diện của chúng. Trẻ mất sĩ diện sẽ trở nên cay cú, muốn trả đũa, càng ghét thầy cô hơn, khoét thêm mâu thuẫn.
Em chỉ cần nghiêm khắc nhắc nhở các con không chơi đùa kiểu này, vì nếu chẳng may bắp ngô trúng vào mắt thì các con lấy gì mà đền cho người ta.
Cô kiềm chế nghe theo. Quả nhiên cả lớp cúi mặt hối lỗi. Nhóm học sinh đó cũng dần dần bớt quậy phá đi.
Sau này trưởng thành rồi, các em vẫn về thăm thầy thăm cô. Rồi các em thú nhận chuyện đã xịt lốp xe thầy hiệu trưởng năm xưa. Cô trò ôn lại kỷ niệm dại dột, ngốc nghếch ấy mà thấy thân thương vô cùng”, cô Đông chia sẻ.
Học sinh ngoan hay hư đều do người lớn vẽ nên
Cô Đông có một phương pháp giúp những học sinh chưa ngoan trở nên ngoan hơn là “tự kỷ ám thị”.
Cô cho rằng, học sinh cấp 1, cấp 2 rất non nớt, như tờ giấy trắng. Trò ngoan hay hư đều do người lớn vẽ nên.
“Nếu người lớn khen trẻ ngoan, trẻ sẽ tin mình ngoan và luôn hành động tương thích với lời khen đó. Ngược lại, nếu người lớn gắn chữ hư cho trẻ, trẻ sẽ tự định danh mình là hư, đồng nhất các hành động của mình với chữ hư.
Tôi có một học trò rất thương. Ở nhà em thường bị bố mẹ mắng mỏ nặng lời, gọi là “chó”. Em rất nghịch, có những hành động khó chấp nhận ở nhà lẫn ở trường.
Một hôm, tôi gọi riêng em ra nói chuyện. Tôi bảo: “Tại sao con lại làm như thế?”. Em bảo tôi: “Đằng nào con chả “chó” rồi, thêm một lần “chó” nữa cũng không sao”. Tôi lặng người”.
Học sinh tiểu học tại Kiên Giang trong một giờ ngoại khóa (Ảnh: Trương Nguyễn).
Thế nên, nếu con trẻ có hành động chưa chuẩn mực, thậm chí là mắc lỗi sai nghiêm trọng, đừng vội gắn từ ngữ tiêu cực cho hành động bộc phát của trẻ.
Nếu cha mẹ, thầy cô xem hành động của trẻ là bản chất, đánh giá trẻ là hư hỏng, “mất dạy”, thì dần dần, qua nhiều hành động tích tụ, trẻ sẽ trở thành một con người đúng như thế ở tuổi trưởng thành.
Vậy tại sao cha mẹ, thầy cô không tạo cơ hội cho trẻ được ngoan, tạo cơ hội cho trẻ được khen? Trẻ có cơ hội làm nhiều việc tốt, được nghe nhiều lời khen ngợi, động viên, chắc chắn sẽ tốt dần lên.
Trẻ cần “tự kỷ ám thị” rằng mình ngoan và có ích để trở thành người ngoan và có ích thực sự”, cô Đông tâm sự.
Cô Đông cũng nhấn mạnh thêm: “Muốn cảm hóa một học sinh hư không dùng kỷ luật được đâu. Chỉ có thể dùng tình yêu thương và sự rộng lượng”.