Cụ Bùi Thị Nhớ ở phố Thành Yên, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa đã 103 tuổi nhưng vẫn đều đặn dậy sớm, đi bộ tập thể dục như ngày trẻ.
LỜI TÒA SOẠN
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với hơn 11,4 triệu người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, năm 2023 là 73,7 tuổi, tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống.
Tuy nhiên, người cao tuổi nước ta lại có chất lượng sống chưa cao. Vì thế, quan tâm đến cuộc sống của người cao tuổi không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn cả yếu tố tinh thần, tâm lý là rất quan trọng.
VietNamNet đăng tải tuyến bài “Tôi trăm tuổi”, giới thiệu về cuộc sống vui, khỏe, có ích và truyền cảm hứng của những người cao niên sinh từ năm 1924 trở về trước.
Bài 1: Cụ bà sống hơn 100 tuổi ở Hà Nội, tứ đại đồng đường hòa thuận cùng 3 nàng dâu
Bài 3: Cụ bà 104 tuổi vẫn đọc thơ vanh vách, sinh con lúc 51 tuổi
Bài 4: Ngôi làng trường thọ ven sông, cụ ông gần trăm tuổi đạp xe, nhai trầu
Bài 5: Hai vợ chồng hơn 100 tuổi vẫn minh mẫn, bí quyết chỉ gói gọn trong 2 từ
Về khu phố Thành Yên hỏi cụ Nhớ (sinh năm 1921) ai cũng biết bởi cụ sống một mình, ngày nào cũng dậy sớm đi bộ thể dục, tự đi chợ, nấu ăn… như những người trẻ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Nhớ còn rất khỏe và minh mẫn. Cụ ít khi ở nhà, chỉ có thể tìm gặp cụ vào buổi sáng sớm hoặc giờ trưa.
Cụ Nhớ sinh được 5 người con (con trai đầu đã hy sinh ở chiến trường miền Nam), 10 người cháu và 9 chắt. Chồng cụ Nhớ mất cách đây 20 năm, hiện tại cụ ở một mình. Nhiều lần, con cháu muốn đưa cụ về ở cùng để tiện chăm sóc, phụng dưỡng nhưng cụ chưa đồng ý. Cụ bảo mình còn khỏe, tự chăm sóc cho bản thân được thì không muốn phiền hà tới ai.
Cụ bà 103 tuổi chia sẻ, để có được sức khỏe như hiện tại, ngoài việc “trời phú” cho không ốm đau bệnh tật thì bí quyết của cụ là tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ.
Cụ Nhớ thích ăn bánh cuốn vào buổi sáng. Ảnh: Lê Dương
“Ngày nào tôi cũng dậy từ lúc 6h đi bộ tập thể dục rồi ra quán ăn sáng, chủ yếu là bánh cuốn hoặc cháo thịt băm. Sau đó, tôi ra chợ mua thức ăn về sơ chế cẩn thận rồi sang hàng xóm chơi, uống nước. Rảnh rỗi lại sang nhà các con, các cháu, đến trưa về nấu nướng”, cụ Nhớ kể.
Mỗi bữa, cụ Nhớ chỉ ăn lưng bát cơm. Bữa trưa cụ thường ăn nhiều canh, bữa tối ít canh để hạn chế đi tiểu đêm. Giờ răng của cụ đã yếu nên các bữa chủ yếu là canh và thịt băm nhỏ. Cụ không ăn cá vì sợ hóc xương.
Cụ Nhớ chia sẻ, đến giờ cụ vẫn chưa phải nhờ đến con cháu. Cụ vẫn còn nhớ chi tiết về con trai cả là liệt sĩ Hoàng Văn Doãn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Con trai cụ (sinh năm 1952) thích chơi thể thao nên đã theo học trường thể dục thể thao ở Phố Đầm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 8/1971, khi đang học thì con trai cụ Nhớ tình nguyện lên đường nhập ngũ.
“Doãn được huấn luyện lính đặc công ở Hà Nội rồi vào Quảng Nam chiến đấu. Trong suốt thời gian ở chiến trường, nó không viết thư, liên lạc với gia đình. Mãi sau này, tôi mới biết con đã hy sinh khi mới 22 tuổi”, cụ Nhớ kể lại.
Ông Hoàng Văn Điệp, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi phố Thành Yên cho biết, cụ Nhớ là người cao tuổi nhất của phố nhưng vẫn tham gia sinh hoạt Hội đều đặn.
“Dù tuổi cao nhưng cụ Nhớ vẫn khỏe mạnh, hằng ngày đều đi bộ sang thăm con cháu và tự lo cho bản thân. Cụ là tấm gương sáng trong việc chăm lo, giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội”, ông Điệp nói.