Bảng lương của giáo viên THPT từ 1/7/2024 được tính theo 3 khoản là lương cơ bản, phụ cấp và thưởng. Do vậy, giáo viên có thể nhận lương lên đến 20 triệu đồng/tháng.

Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1/7/2024. Vậy tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng bao nhiêu so với năm 2023?

Nếu như chính sách cải cách tiền lương năm 2024 được thực hiện đúng lộ trình, thu nhập của hàng chục triệu người lao động, trong đó có giáo viên các trường công lập sẽ có nhiều thay đổi. Cách tính lương giáo viên THPT từ 1/7/2024 như sau: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương/năm, không bao gồm phụ cấp).

So với lương năm 2023, lương giáo viên trong khu vực công năm 2024 sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng. Cụ thể sẽ có một bảng lương chức vụ dành cho giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo trong trường học như Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng…

Cách tính lương giáo viên THPT từ 1/7/2024 mới nhất sau cải cách: Có thể lên tới 20 triệu đồng- Ảnh 1.

Giáo viên mong mỏi tiền lương năm 2024 tăng so với năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng với giáo viên không giữ chức danh lãnh đạo. Bảng lương này sẽ bao gồm nhiều bậc lương và những người làm cùng mức độ phức tạp công việc thì lương bằng nhau, giáo viên sẽ được hưởng lương cao hơn nếu có điều kiện lao động cao hơn… Riêng giáo viên là người lao động sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học với giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.

Một giáo viên THPT chia sẻ: “Từ sau ngày 1/7/2023, khi áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức lương của tôi tăng lên 9,14 triệu đồng/tháng (mức lương chưa cộng thêm các khoản phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên).

Hiện nay, giáo viên THPT mới vào ngành được xếp hạng III có hệ số lương 2,34, phụ cấp ưu đãi 30%, lương khởi điểm khoảng 5,4 triệu đồng mỗi tháng; giáo viên THPT hạng I cao nhất có hệ số lương 6,78 sẽ nhận được mức lương là 12,204 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung có thể thực nhận lương trên dưới 20 triệu đồng mỗi tháng.

Về mức lương sẽ thay đổi diễn ra vào ngày 1/7/2024 tới đây sau khi thực hiện cải cách tiền lương, rất có thể làm thay đổi cơ bản chính sách tiền lương của nhiều đối tượng, trong đó có giáo viên. Tôi dự đoán, khi thực hiện cải cách tiền lương 2024, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương đang hưởng”.

Lương giáo viên THPT từ 1/7/2024: Giáo viên mong cải thiện được cuộc sống

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Phạm Thủy, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất mong thay đổi chính sách dành cho giáo viên để giáo viên vơi bớt những lo toan trong cuộc sống. Có như vậy, giáo viên mới có thể yên tâm dành mọi tâm huyết để cống hiến hơn với nghề”.

Một hiệu trưởng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Chúng ta xây dựng trường học hạnh phúc nhưng thực sự khó vì lương giáo viên hiện nay chưa đủ sống, chưa đáp ứng được cho nhu cầu bản thân. Trường tôi có một giáo viên dạy môn Công nghệ. 5 năm qua, ngày nào cô ấy cũng đi 40km từ nhà ở Mê Linh đến trường dạy. Tiền lương của cô nhận hàng tháng chỉ đủ để… đổ xăng”. Do vậy, hiệu trưởng này ủng hộ với chính sách cải cách tiền lương tính theo vị trí việc làm và mong muốn lương giáo viên năm 2024 được cải thiện.

Ông Phạm Minh Huân, chuyên gia tiền lương cho biết, thực tế nói và làm trong xây dựng chính sách tiền lương là rất khó: “Mong muốn lương giáo viên được ưu đãi, xếp cao nhất nhưng thực tế khi triển khai thì đơn vị nào cũng sẽ kêu là ngành đặc thù cần ưu đãi. Câu chuyện này từng xảy ra trước đây khi làm tiền lương”.

Ông Huân cho rằng, có 3 yếu tố chính để cấu tạo nên tiền lương đó là: Trình độ đào tạo; Điều kiện làm việc; Mức độ ưu đãi với công việc đó. Lấy yếu tố nào làm chuẩn để xác định tiền lương trong 3 yếu tố đó tùy thuộc vào người xây dựng thang bảng lương.

“Tuy vậy, lương nhà giáo phụ thuộc nhiều vào chức danh nghề nghiệp, giờ giảng và cả trình độ. Nếu nói ưu tiên, thì thang bảng lương sẽ được tính thế nào, nhấc bao bậc… cái này còn phải chờ thang bảng lương được Bộ Nội vụ ban hành”, ông Huân nói.