Từ cái Tết đầu tiên của con, chị Hoàng Thị Hoa (Lào Cai) đã gửi tiết kiệm toàn bộ tiền lì xì. Con được 9 tuổi thì sổ tiết kiệm của chị cũng đã lên con số hàng trăm triệu đồng.
Tiền lì xì tăng gấp đôi nhờ mua vàng 9 năm liên tiếp
Chị Hoàng Thị Hoa sinh con đầu lòng năm 2015. Cái Tết đầu tiên của con chị cũng là năm cháu bé được nhận nhiều tiền lì xì nhất. Họ hàng, người thân vừa mừng tuổi cho em bé, vừa mừng mẹ tròn con vuông.
Với quan niệm tiền lì xì là của con, mẹ chỉ giữ hộ cho đến khi con lớn, chị Hoa mang toàn bộ số tiền may mắn đi mua 1 lượng vàng.
Liên tục các Tết tiếp theo, chị đều dùng tiền lì xì của con để mua vàng.
“Những năm 2015-2018, vàng còn rẻ, tầm hơn 3 triệu đồng 1 chỉ. Tiền mừng tuổi của con được trên dưới 10 triệu đồng. Tôi bù thêm vào để mua cho con 4 chỉ vàng tiết kiệm.
5 năm trở lại đây vàng đắt, tôi mua 2 chỉ. Sau 9 năm, số vàng tích cóp là 1 lượng vàng miếng và 22 chỉ. Đợt Tết vừa rồi vàng tăng giá kỷ lục, tôi đem bán được hơn 200 triệu đồng.
Từ hơn 100 triệu tiền may mắn mọi người tặng con, giờ con đã có gấp đôi”, chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa cho biết thêm, khi con nhận thức được về tiền lúc 3, 4 tuổi, chị đã nói chuyện với con về việc dùng tiền lì xì của con để mua vàng. Khi con lớn hơn chút nữa, chị nói về mục đích tiết kiệm. Trong tương lai, nếu con muốn đi du học, hay muốn khởi nghiệp làm giàu, con đã có sẵn một khoản tiền kha khá mà không phải vay mượn ai.
“Tôi cũng giải thích cho con hiểu số tiền may mắn này không tự nhiên mà có. Đó là tình cảm người thân, bạn bè dành cho con nên phải trân trọng, giữ gìn”, chị Hoa nói.
Mỗi phụ huynh một cách “đầu tư” tiền lì xì
Chị Phạm Thị Hằng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nuôi heo đất bằng tiền lì xì của các con từ nhiều năm nay.
Năm 2022, được bạn mách bảo nên dùng tiền tiết kiệm chơi chứng khoán để tiền được sinh lời, chị Hằng chơi thử bằng cách dùng 10 triệu tiền lì xì mua 2 mã cổ phiếu giá rẻ. Tới Tết Nguyên đán năm 2023, số tiền trên tăng lên hơn 13 triệu đồng.
Tuy nhiên sau 2 năm, mã cổ phiếu chị mua bị rớt giá, số tiền gốc ban đầu chỉ còn hơn 9 triệu đồng. Chị vội bán để rút ra.
Tết năm nay, chị Hằng lại quay về với việc nuôi heo đất truyền thống.
“Tôi không phải một người có đầu óc kinh tế, tư duy nhạy bén với tiền bạc. Cũng có lúc tính mua vàng nhưng toàn tính trật. Cứ chờ vàng giảm để mua thì vàng tăng mãi không giảm, chặc lưỡi mua vào thì thời gian ngắn sau vàng lại giảm. Nên nghĩ đi nghĩ lại, cứ để tiền trong heo đất là an toàn nhất.
Tuy không thêm được cho các con đồng nào nhưng cũng không làm mất đi của các con đồng nào”, chị Hằng bày tỏ.
Trẻ nhỏ được mừng tuổi dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: Nguyên Hạnh).
Chị H.T.H. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại có cách “đầu tư” khác. 5 năm nay, chị và hai con thống nhất toàn bộ tiền mừng tuổi sẽ được cho đi. Theo đó, cứ sau kỳ nghỉ Tết, các con chị đưa lại tiền cho mẹ để mẹ mở sổ tiết kiệm online.
Mỗi khi đọc được trên báo những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, các con lại bảo chị trích một phần tiền ra để tặng.
“Có khi các con đề nghị quyên góp xây trường cho trẻ vùng cao, có khi là giúp một bạn có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Tới cuối năm nếu dư tiền, ba mẹ con sẽ chuyển số tiền đó vào quỹ từ thiện của Bệnh viện Nhi Trung ương, sổ tiết kiệm trở về 0.
Tôi rất vui vì các con không có nhu cầu tích cóp tiền mừng tuổi. Mỗi gia đình có một cách nhìn khác nhau về tiết kiệm và đầu tư. Tôi mong muốn trong lúc chưa khó khăn gì về tiền bạc, tôi sẽ dùng tiền mừng tuổi của các con để đầu tư cho sự phát triển lòng nhân ái, tính chia sẻ và hào phóng.
Tôi nói với các con rằng hãy nên tiết kiệm tiền bạc do lao động mà có, và hãy nên hào phóng tiền bạc do được ban tặng mà có”, chị H. nêu quan điểm.
Cha mẹ có thể dạy trẻ cách sử dụng tiền lì xì vào mục đích đúng đắn (Ảnh minh họa: AI).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, Trung tâm nghiên cứu, tư vấn tâm lý vị thành niên (Hà Nội), để cùng con quản lý, chi tiêu, “đầu tư” tiền lì xì có giá trị nhất, cha mẹ nên dạy con một số kiến thức, cách ứng xử và ý nghĩa văn hóa của khoản tiền này.
Có rất nhiều cách để tiền lì xì được sử dụng vào mục đích đúng đắn như dạy trẻ tự tay bỏ tiền vào heo đất và lập kế hoạch chi tiêu chi tiết theo từng tháng. Với mỗi tháng, kế hoạch hoạt động của các con sẽ khác nhau, do đó tiền chi tiêu cũng khác nhau.
Ví dụ, tháng hè có hoạt động du lịch, vui chơi, tháng đầu năm học cần mua đồ dùng học tập, sách vở, tháng gần Tết cần mua quà tặng ông bà nội ngoại… Bố mẹ cũng có thể đề xuất các con mua đồ dùng gia đình với tư cách một thành viên trong nhà.
Trẻ nào cũng thích được tiêu tiền của mình. Bố mẹ cần giữ vai trò định hướng để trẻ được làm chủ tiền lì xì mà không tiêu tiền may mắn vào những việc ít lợi ích.