Trong khi đang lo lắng, sốt ruột với chính sách lương giáo viên năm 2024 sau cải cách tiền lương, nhiều thầy cô giáo cũng cảm thấy an tâm hơn khi biết ngoài lương sẽ có thêm nhiều khoản phụ cấp khác.
Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Gồm những khoản phụ cấp nào?
Mới đây, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.
Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27. Vậy lương của giáo viên năm 2024 sau cải cách tăng bao nhiêu?
Được biết, ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Giáo viên mong đợi tiền lương sau cải cách tháng 7/2024 sắp tới. Ảnh minh họa: Tào Nga
9 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.
Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GDĐT và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. Mặc dù trong 3 năm qua, chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1/7 tới đây thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%”.
Giáo viên vui mừng đón nhận tin cải cách tiền lương từ tháng 7/2024
Ngay sau khi đọc thông tin lương giáo viên sẽ tăng sau khi cải cách tiền lương vào tháng 7 sắp tới đây, cô Trần Thị Liên, giáo viên một trường tiểu học ở Thanh Hóa vui mừng cho biết: “Chúng tôi rất mong ngóng đón đợi chính sách lương mới của giáo viên nếu được áp dụng sau cải cách. Nhiều giáo viên chỉ trông chờ vào khoản thu nhập này mỗi tháng nên đời sống khá khó khăn. Giáo viên luôn tâm huyết với nghề nhưng nếu tiền lương cộng phụ cấp tăng so với mức lương hiện tại thì sẽ có thêm động lực để yên tâm công tác, gắn bó hơn với nghề mà không còn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền cuộc sống”.
Tại nhiều nhóm giáo viên trên mạng xã hội cũng bàn luận sôi nổi về tiền lương mới của giáo viên. “Hiện tại tôi đang hưởng lương hạng 2 cũ 3.33. Nếu theo bảng lương mới thì sẽ tính thế nào? Bên cạnh đó, nếu tính lương theo vị trí việc làm thì giáo viên thâm niên có bị ít đi không”; “Cho tôi hỏi bảng lương giáo viên THCS trường công lập sau cải cách tiền lương có cao hơn bảng lương áp dụng trước đó không?”; “Nếu trả lương theo vị trí việc làm thì những giáo viên có thâm niên có bị thấp hơn so với mức hiện tại không?”… là những băn khoăn của giáo viên hiện nay.
Trước lo lắng này, một thầy giáo ở Hà Nội nêu ý kiến: “Giáo viên chỉ là một trong những đối tượng có thể được hưởng cải cách tiền lương đợt này. Việc cải cách tiền lương là một vấn đề lớn của cả hệ thống các cấp, các ngành. Vì vậy, theo tôi, giáo viên hiện nay cứ bình tĩnh và đón nhận tin vui, không nên quá sốt ruột để đưa ra những ý kiến gây hoang mang, lo lắng trong thời gian này. Chắc chắn với khoản lương cơ bản kèm phụ cấp, thu nhập giáo viên sẽ tăng so với mặt bằng chung”.