Biết Phạm Xuân Mạnh cần đôi giày tập, nhà không có tiền, bà Phan Thị Hà đi vay lãi gửi tiền cho mua. Sau đó, gia đình phải bán con trâu duy nhất để trả khoản vay.
Động lực từ nỗi sợ “ăn cơm với nhút”
Ngày 14/1, người hâm mộ bóng đá tại Nghệ An đã có buổi giao lưu với tuyển thủ quốc gia Phạm Xuân Mạnh trong chương trình vinh danh do Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức.
Tại chương trình, cầu thủ Xuân Mạnh đã chia sẻ về hành trình cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam chinh phục thành công chức vô địch AFF Cup 2024, đặc biệt là trong 2 trận chung kết lượt đi và lượt về trước đối thủ đầy duyên nợ Thái Lan.
Trong giải đấu lần này, Xuân Mạnh là cầu thủ duy nhất của Nghệ An góp mặt trong đội hình thi đấu của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Hậu vệ sinh năm 1996 đã thể hiện phong độ xuất sắc trong 6 trận thi đấu với 531 phút có mặt trên sân, đóng góp quan trọng giúp đội tuyển Việt Nam lần thứ 3 bước lên ngôi vô địch tại giải bóng đá lớn nhất khu vực.
Tại buổi giao lưu, anh cũng chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị trước khi trận chung kết lượt về diễn ra trên đất Thái Lan.
“Trong buổi tập trước trận chung kết lượt về, Huấn luyện viên Kim Sang Sik nhắc lại ba điều “một là vô địch, hai là vô địch và ba là vô địch”. Huấn luyện viên Kim Sang Sik chỉ tay vào chấm giao bóng và nói “Ngày mai chúng ta phải cắm cờ Việt Nam tại đây, bắt buộc phải vô địch”. Và chúng tôi đã làm được điều đó”, tuyển thủ quốc gia Phạm Xuân Mạnh chia sẻ.
Niềm hạnh phúc lớn lao này khiến Xuân Mạnh vẫn “như đang lâng lâng” khi về tới Nghệ An, đặc biệt là khi được gặp gỡ với người hâm mộ quê nhà.
Hành trình đến với chức vô địch AFF Cup là một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ với niềm đam mê mãnh liệt của Xuân Mạnh với trái bóng tròn.
“12 tuổi, tôi được Ban huấn luyện Câu lạc bộ (CLB) Sông Lam Nghệ An chọn vào đội tuyển, và là người đặt bút ký dòng cuối cùng trong danh sách ấy. Đó là lần đầu tiên tôi xa gia đình. Những ngày đầu ăn ở tập trung, sự hứng khởi, vui sướng được tập bóng chuyên nghiệp, tôi không thấy nhớ nhà.
2 tuần trôi qua, tôi bắt đầu nhớ bố mẹ, gọi điện khóc xin về. Mẹ tôi nói: “Về nhà chỉ có ăn cơm nhút (xơ mít muối) thôi, ở trong đó, được CLB nuôi ăn học”. Nghe thế tôi không đòi về nữa”, tuyển thủ Xuân Mạnh cười nhớ lại.
Việc sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông vào diện “nghèo nhất xã”, nghiệp “quần đùi áo số” để thoát nghèo thôi thúc Xuân Mạnh nỗ lực gấp nhiều lần. Và cũng chính trái bóng tròn đã mang lại cho anh niềm hạnh phúc được thỏa mãn với đam mê, nhiều danh hiệu trong sự nghiệp, kinh tế vững vàng để lo cho bố mẹ và gia đình nhỏ của mình.
Người hâm mộ tới cổ vũ và giao lưu cùng cầu thủ Phạm Xuân Mạnh (Ảnh: Hoàng Lam).
Anh luôn biết ơn cơ hội mà mình đã được trao, ở cấp CLB hay cấp đội tuyển quốc gia, biết ơn sự động viên, đồng hành của người thân, đồng đội và người hâm mộ Nghệ An nói riêng, người hâm mộ cả nước nói chung.
Tại buổi giao lưu, Tỉnh đoàn Nghệ An tặng Bằng khen, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen tới cầu thủ Phạm Xuân Mạnh.
Bố mẹ vay nợ mua giày cho con tập bóng
Xuân Mạnh bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê bóng đá từ sớm nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ không có điều kiện để cho con theo học các lớp năng khiếu về bóng đá. Qua các giải thi đấu bóng đá phong trào, tố chất nổi bật của Xuân Mạnh sớm được các nhà tuyển trạch CLB Sông Lam Nghệ An để mắt tới. Đây cũng là bước ngoặt lớn đối với cuộc đời cậu bé quê lúa Yên Thành.
12 tuổi, Xuân Mạnh khăn gói chuyển vào Trung tâm huấn luyện của CLB Sông Lam Nghệ An. Ở đây, ngoài được huấn luyện một cách bài bản, với cậu bé nghèo Xuân Mạnh là được ăn no, ăn ngon – điều rất hạn hữu khi ở nhà.
Bà Phan Thị Hà, mẹ cầu thủ Phạm Xuân Mạnh chia sẻ câu chuyện vay lãi, bán trâu mua giày cho con luyện tập (Ảnh: Hoàng Lam).
Được luyện tập ở lò đào tạo Sông Lam, cậu bé Mạnh mang theo mơ ước có một đôi giày tập “xịn”. Nhưng ở thời điểm đó, đôi giày trị giá 4 triệu đồng là cả một gia tài đối với Mạnh và gia đình.
“Biết con mong ước có đôi giày, tôi nói với chồng đã cho con đi tập thì khó khăn mấy cũng phải gắng mua cho Mạnh. Khi đó, nhà không có tiền, tôi phải đi vay lãi. Vay được 5 triệu đồng, cho con 4 triệu đồng mua giày còn 1 triệu đồng cho thêm để thích ăn gì thì mua”, bà Hà chia sẻ tại buổi giao lưu.
Vay nợ lãi nhưng không có tiền để trả, vợ chồng bà Hà phải bán con trâu duy nhất của gia đình. Sau khi trả xong khoản vay, số tiền gần 3 triệu đồng còn lại bà Hà mua con nghé để chăm dần.
Cũng bởi bán mất “đầu cơ nghiệp” nên đến ngày mùa, gia đình Xuân Mạnh không có trâu để cày bừa. Những người hàng xóm tốt bụng cho bố mẹ Mạnh mượn trâu bò làm sức kéo để sản xuất.
Xuân Mạnh rơm rớm nước mắt khi nghe lại câu chuyện của mẹ (Ảnh: Hoàng Lam).
“Sau này Mạnh biết chuyện, nói “con mà biết bố mẹ bán trâu thì con không cho bán”. Nhưng tôi động viên con yên tâm, sau này mình mua con khác, đừng lo”, bà Hà kể tiếp.
Nghe mẹ kể lại, cầu thủ Xuân Mạnh rưng rưng xúc động. Anh luôn biết ơn gia đình đã đồng hành, hỗ trợ hết mức trong quá trình anh luyện tập, thi đấu. Đây cũng là một trong những động lực để anh tiếp tục nỗ lực hơn trong chặng đường tiếp theo.
Tại buổi giao lưu cầu thủ Xuân Mạnh được đón nhận nhiều phần quà từ các đơn vị, tổ chức. Anh cũng giành 20 triệu đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Nghệ An, mong góp phần mang lại cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn với những gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh.