Tạ Hân Dĩnh hiện là sinh viên năm 3 của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). 12 năm không học thêm, nữ sinh 2 lần đạt thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh cấp 3 và đại học của thành phố Trùng Khánh.

Thủ khoa 2 kỳ thi quan trọng

Tạ Hân Dĩnh (SN 2002) xuất thân trong gia đình bình thường ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Từ nhỏ, nữ sinh được nhận xét thông minh, nhiều năm liền đạt thành tích xuất sắc.

Năm 2017, nữ sinh tham gia kỳ thi cấp 3, đỗ vào Trường Trung học Trùng Khánh 8, với 727.5/750 điểm, trong đó, Toán 148/150, tiếng Anh 146/150, tiếng Trung (Văn) 139/150, Lý 80, Hóa 69, Chính trị 48.5, Sử 47 và Thể dục 50. Với số điểm trên, nữ sinh trở thành thủ khoa kỳ thi cấp 3 của thành phố Trùng Khánh.

3 năm sau, nữ sinh tham gia kỳ thi đại học đạt 726/750 điểm, trong đó, Toán 149/150, tiếng Anh 148/150, tiếng Trung (Văn) 136/150, tổ hợp Khoa học tự nhiên 293/300. Tạ Hân Dĩnh vẫn ‘bảo toàn’ ngôi vị là thủ khoa đại học của thành phố Trùng Khánh và xếp thứ 2 trên cả nước.

Thành tích này của Tạ Hân Dĩnh được nhiều đại học top đầu Trung Quốc chào đón. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, nữ sinh lựa chọn Học viện Nguyên Bồi trực thuộc Đại học Bắc Kinh.

Bí quyết học: ‘Tập trung, suy ngẫm và sở thích’

Tập trung cao độ

Chia sẻ với truyền thông, nữ sinh tiết lộ bí quyết học gói gọn trong 6 chữ: ‘Tập trung, suy ngẫm và sở thích’. Đam mê học hỏi, Tạ Hân Dĩnh luôn có ý thức và chủ động suy ngẫm về các vấn đề hoặc phương pháp học mới. “Sở thích của bản thân rèn cho tôi khả năng tập trung tuyệt đối. Nhờ đó, tôi đạt kết quả cao và thành tích tốt trong học tập”, nữ sinh 2 lần đạt thủ khoa cho hay.

Trong giờ học, Tạ Hân Dĩnh luôn tập trung nghe giảng, không bị phân tâm bởi mọi thứ xung quanh. Tan học, trong khi bạn bè dành thời gian nghỉ ngơi, nữ sinh 21 tuổi tranh thủ hỏi giáo viên những vấn đề thắc mắc. Đây là thói quen suốt 12 năm học của Tạ Hân Dĩnh.

1c3c80d42721add98762059c046497bd-1.jpeg
Tạ Hân Dĩnh là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh cấp 3 và đại học của thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: Baidu
Môi trường giáo dục từ gia đình góp phần hình thành khả năng tập trung cao độ của Tạ Hân Dĩnh: “Từ nhỏ, khi tôi ngồi vào bàn học, bố mẹ đảm bảo không gian yên tĩnh với 3 nguyên tắc: Không cắt ngang, không làm phiền và không cằn nhằn”.

Thực tế cho thấy, những học sinh có khả năng tập trung càng cao tỷ lệ thuận với kết quả và thành tích đạt được. Tạ Hân Dĩnh là trường hợp điển hình, dù không đi học thêm, nhưng 2 kỳ thi quan trọng nhất vẫn đạt thủ khoa.

Các chuyên gia cho rằng: “Một khi khả năng tập trung của trẻ có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và thành tích học tập. Do đó, phụ huynh nên có kế hoạch giúp con cải thiện càng sớm càng tốt”.

Khả năng suy ngẫm

Với khả năng tập trung cao, Tạ Hân Dĩnh luôn chủ động nghiên cứu các phương pháp học phù hợp và ý tưởng giải quyết vấn đề xoay quanh cuộc sống hàng ngày. Cụ thể, với tiếng Trung (Văn) Tạ Hân Dĩnh áp dụng phương pháp suy ngẫm (Reflection còn gọi là suy tưởng) để cải thiện điểm số môn học.

Đây là phương pháp suy tưởng có chủ đích về những gì đã học, giúp nữ sinh nghĩ ra cách sửa hoặc tránh lặp lại lỗi sai. Có khả năng phân tích nguyên nhân mắc lỗi tốt, phần nào bù đắp được ‘khuyết điểm’ của nữ thủ khoa trong môn Văn. Tạ Hân Dĩnh cũng làm tương tự như vậy với các môn còn lại. Việc áp dụng phương pháp học phù hợp của nữ sinh được minh chứng bằng 2 lần đạt thủ khoa.

Sở thích đa dạng

Tan học, nữ sinh hoàn thành bài tập về nhà xong, sẽ dành toàn bộ thời gian còn lại cho sở thích cá nhân. Đọc sách, chơi đàn piano, viết thư pháp, làm thủ cộng hoặc thổi kèn harmonica,… sau giờ học là cách Tạ Hân Dĩnh thư giãn.

“Từ khi vào cấp 2, việc học của tôi khá bận Nhưng tôi vẫn dành một khoảng thời gian cố định mỗi tuần để luyện piano. Chỉ chơi được 10 phút, nhưng tôi cảm thấy tâm trạng tốt hơn”, nữ sinh 21 tâm sự.

Gặp nhiều áp lực học tập, nên Tạ Hân Dĩnh thường đi leo núi cùng giáo viên và các bạn, vừa rèn luyện sức khỏe vừa mang lại cảm hứng. Nó được ví như hành trình ‘sống’ đáng trải nghiệm, bởi nữ sinh cho rằng được vui chơi thoải mái, nên khi về sẽ học chăm hơn.

Sở thích đa dạng giúp nữ sinh luôn giữ tâm lý ổn định trong kỳ thi. Nhiều người cho rằng, học sinh cấp 3 là ‘mọt sách’, tuy nhiên, Tạ Hân Dĩnh đã chứng minh điều ngược lại. Dù bận, nhưng nữ sinh vẫn thời gian dành cho sở thích cá nhân. Thậm chí, thể thao là cách giải tỏa căng thẳng chính của nữ sinh khi phải đối mặt với kỳ thi quan trọng.

12 năm không đi học thêm

Nói về phương pháp dạy con, bố nữ sinh chia sẻ đọc sách cho Tạ Hân Dĩnh nghe từ khi hơn 1 tuổi. Sự kiên trì của bố mẹ giúp nữ sinh phát triển thói quen đọc sách từ nhỏ và tạo nền tảng vững chắc cho việc học sau này.

Khi được hỏi: “Quá trình giáo dục con như thế nào?”. Bố nữ sinh cho biết: “Tôi và vợ rèn cho con thói quen học từ lớp 1. Chúng tôi chưa bao giờ cùng con học. Từ nhỏ, tôi đặt ra yêu cầu con phải tự giác hoàn thành bài tập về nhà”. Ông Tạ nói thêm, bố mẹ có trách nhiệm kiểm tra và ký sau khi còn làm xong bài.

Mẹ Tạ Hân Dĩnh cho hay, coi trọng việc rèn luyện khả năng tập trung cho con: “Tôi muốn con làm việc gì cũng phải làm tốt, toàn tâm toàn ý. Học ra học, chơi ra chơi”. Theo yêu cầu của mẹ, lớp 1 nữ thủ khoa phải hình thành thói quen đặt câu hỏi cho thầy cô nếu chưa hiểu bài. “Có ngày, con phải đuổi theo cô giáo hơn 1 tiếng để hỏi bài”, mẹ nữ sinh kể.bf3b4edf473d291975f83050048b514f.jpegNhờ phương pháp giáo dục phù hợp của bố mẹ cùng với sự nỗ lực của bản thân, 2 lần Tạ Hân Dĩnh trở thành thủ khoa của thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: Baidu
Nhắc đến việc 2 lần con gái đạt thủ khoa, bố mẹ Tạ Hân Dĩnh không giấu được sự tự hào. Họ khẳng định, bí quyết đạt được thành tích nằm ở thói quen tự giác học của con. “Tạ Hân Dĩnh không ỷ lại vào bố mẹ. Nếu không hiểu bài, con có ý thức chủ động hỏi thầy cô đến khi ra vấn đề”, bố nữ thủ khoa chia sẻ

Khi được hỏi: “Các phụ huynh tin rằng, cho con đi học thêm mới hiểu bài sâu và đạt điểm cao. Ông quan niệm thế nào về vấn đề này? Liệu đây có phải là sự thật không?”. Bố của Tạ Hân Dĩnh khẳng định, điều này chưa chắc đã đúng: “Con gái tôi 12 năm không đi học thêm. Vợ chồng tôi, chỉ rèn cho con sự tập trung và tính tự giác. Dưới góc nhìn của bản thân, tôi nhận thấy phương pháp giáo dục con của chúng tôi mang lại hiệu quả”.

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là bố mẹ phải giáo dục con từ nhỏ. Điều vợ chồng ông có thể làm là quan tâm và nuôi dưỡng con thật tốt. Bố nữ sinh nói thêm: “Vợ chồng tôi chỉ là người bình thường. Bây giờ chúng tôi không thể theo kịp kiến ​​thức tiểu học”.

Trong ấn tượng của thầy cô, Tạ Hân Dĩnh học giỏi, việc trở thành thủ khoa lần 2 không có gì bất ngờ. “Em luôn nằm trong top những học sinh xuất sắc của trường, lớp. Tạ Hân Dĩnh trầm tính, ít nói, rất chăm chỉ và chịu khó. Em chưa từng bỏ sót kiến thức. Trên tay em luôn cầm 2 chiếc bút và dùng 1 chiếc màu khác để ghi lại điểm mấu chốt”, thầy chủ nhiệm cho biết.

“Khi nhắc đến phương pháp coi việc học là sở thích của bản thân, nhiều đứa trẻ sẽ nói là lỗi thời. Tuy nhiên, Tạ Hân Dĩnh vẫn xem đây là bí quyết quan trọng nhất. Tôi nhận thấy chỉ khi thích học, đứa trẻ mới có mục tiêu rõ ràng, ý chí phấn đấu và luôn lắng nghe tiếp thu mọi ý kiến”, thầy giáo nói thêm.

Về phía bản thân, nữ sinh chia sẻ: “Được làm điều mình thích, tôi cảm thấy dễ chịu, có nhiều năng lượng để học tập. Tôi tập trung cao độ vào việc học xuất phát từ sở thích bản thân”. Tạ Hân Dĩnh đồng tình với quan niệm, chỉ có 1% thiên tài và 99% là nỗ lực, thói quen học tập tốt sẽ tác động tích cực đến cuộc sống sau này.