Nụ cười của thầy cô với học sinh thể hiện sự thân thiện, gần gũi, quan tâm, chia sẻ, truyền cảm hứng học tập cho học trò.




Trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường – nơi người viết công tác, khi xét chọn tiết dạy tốt nhất của đơn vị, đã xảy ra trường hợp có hai tiết dạy cùng đạt mọi chỉ số tương đương nhau của 2 giáo viên A và B.

Quy chế giải thưởng chỉ có 1, không có giải đồng hạng, vì vậy ban tổ chức đang gặp khó với trường hợp này, trưởng ban tổ chức cho mọi người về suy nghĩ, chọn lựa, tìm ra ưu nhược điểm của mỗi tiết dạy, để người tham gia hội thi tâm phục khẩu phục.

Ảnh minh họa.

Để rộng đường dư luận, người viết cho học sinh học sinh lớp 10 A, nơi cả hai tiết dạy trên cùng diễn ra, nhận xét, đánh giá tiết học theo cảm nhận của mình.

(Mẫu phiếu học sinh nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên được nhà trường đã sử dụng)

Thật bất ngờ, tiết dạy của giáo viên A đã có phần lớn học sinh đánh giá loại trung bình, vì lý do giáo viên trong suốt tiết học không hề cười với học sinh.




Một học sinh vui vẻ chia sẻ: “Em thấy khi học với cô giáo B, tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái, vì cô luôn nở nụ cười với học sinh.

Đặc biệt, trong ánh mắt của cô B toát lên sự yêu thương, tin tưởng học sinh, ánh mắt như biết nói, như đang khuyến khích học sinh học tập.

Chúng em có thể nói sai, trả lời chưa chuẩn nhưng nhờ nụ cười, ánh mắt khuyến khích của cô mà chúng em dám nói, muốn nói.

Trong tiết học, thầy giáo A luôn nghiêm túc, đạo mạo, không hề cười với học sinh, nên tiết học có cảm giác nặng nề, áp lực”.

Tìm hiểu rộng hơn, người viết thấy những lớp do cô B phụ trách, học sinh đều cảm nhận được sự yêu thương, gần gũi và đặc biệt cô B đã truyền được cảm hứng tự giác học tập bộ môn cho học sinh.

Những lớp thầy A phụ trách, học sinh “ngại” nói về thầy giáo của mình, có sự e dè, xa cách.

Khách quan mà nói, chuyên môn của thầy A rất vững vàng, đã từng là học sinh giỏi môn Toán cấp quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học sư phạm Toán, thầy A đang phụ trách đội tuyển học sinh giỏi Toán lớp 10 của trường.

Trong tiết dạy, thầy giáo A không cười với học sinh, quá nghiêm túc, đã dẫn đến học sinh cảm thấy áp lực trong học tập, cảm nhận không tốt về người thầy của mình.



Trao đổi với một số giáo viên có thâm niên trong nghề và cả giáo viên trẻ về vấn đề giáo viên có nên cười, vui vẻ với học sinh trong tiết dạy không?

Người viết nhận được nhiều ý kiến, trong đó phần lớn ý kiến đều cho rằng, trong quá trình dạy học, giao tiếp với học sinh, giáo viên nên cười với học sinh.

Nụ cười không mất tiền mua, không cần đầu tư, cho đi một, nhận lại là sự tin tưởng, yêu thương của học sinh, khuyến khích học sinh học tập, vượt qua chính mình.

Có quy định nào bắt giáo viên phải cười với học sinh không? Người viết tìm hiểu và được biết, không hề có bất cứ quy định pháp luật nào giáo viên phải cười với học sinh trong tiết dạy.

Ngay trong Phụ lục 5 “Mẫu phiếu đánh giá bài dạy” của Công văn 5512 cũng không có nội dung nào phản ánh đánh giá thái độ của giáo viên với học sinh trong tiết dạy.[1]

Thực tế hiện nay, không ít giáo viên lên lớp với vẻ mặt nặng nề, thậm chí mang cả bực bội ngoài đời vào lớp học, trường học.

Mang bực bội ngoài đời vào lớp học, giáo viên rất dễ có tâm lý tìm kiếm đối tượng để “xả stress”, học sinh đang ở thế yếu, rất dễ thành nạn nhân trước, sau đó chính giáo viên trở thành “nạn nhân” cho bực bội mang theo của mình sau.



Vì thế, trong đánh giá tiết dạy, người viết thấy cần thiết bổ sung thêm tiêu chí về mối quan hệ của thầy và trò.

Quan hệ giữa thầy và trò phải đúng mực, tích cực, thân thiện, vui vẻ, tạo được tâm lí thoải mái vui vẻ và hợp tác cho học sinh, giảm áp lực học tập cho học sinh, tiết dạy mới thành công.

Giao tiếp, ai cũng thích người đối diện nở nụ cười, học sinh cũng vậy thôi. Nụ cười của thầy cô với học sinh thể hiện sự thân thiện, gần gũi, quan tâm, chia sẻ, truyền cảm hứng học tập cho học trò.

Đặc biệt, nụ cười giúp thầy cô làm chủ cảm xúc của chính mình, vào cổng trường hãy quẳng gánh lo bên ngoài, chỉ đem theo nụ cười tỏa nắng vào lớp thầy cô nhé.