Giao bài tập Tết cho học sinh ít hay nhiều, có nên giao hay không và giao theo hình thức gì… đang là chủ đề thu hút quan tâm của học sinh và phụ huynh.
Giao bài tập Tết cho học sinh: Nhiều ý kiến trái chiều
Giao bài tập Tết cho học sinh luôn là chủ đề gây ý kiến trái chiều mỗi dịp Tết cổ truyền đến gần. Nhiều học sinh cho rằng Tết chỉ chơi nhiều ngày thì việc ngồi làm chút bài tập cũng không vấn đề. Trong khi đó, nhắc đến cụm từ này, nhiều học sinh trở nên ám ảnh.
Em Hoàng Thái Tùng, cựu học sinh Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội chia sẻ: “Năm lớp 9, dù nghỉ Tết em vẫn làm rất nhiều bài tập các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày nhưng trung bình mỗi ngày em phải làm 1 phiếu bài tập mỗi môn học. Lượng bài tập nhiều như ngày thường khiến em rất mệt mỏi. Đi chơi ở đâu hay làm gì giúp đỡ bố mẹ cũng thấy lo lắng chưa hoàn thành bài tập”.
Học sinh lớp 9 ở Hà Nội mong ngóng được nghỉ Tết. Ảnh: Tào Nga
Em Lê Khánh Lâm, học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, cũng có khá nhiều bài tập môn Toán vào mỗi dịp Tết: “Do trường của em nghỉ Tết kéo dài, có năm nghỉ 16 ngày nên theo em làm chút bài tập không có vấn đề gì. Năm nay em học lớp 12, lượng bài tập Tết có thể sẽ nhiều hơn nhưng em nghĩ nhiệm vụ chính của mình vẫn là học. Năm sau đỗ đại học rồi em sẽ có kỳ nghỉ Tết thảnh thơi hơn”.
Một giáo viên tiểu học thừa nhận: “Hầu như trường công lập nào cũng giao bài tập về nhà dịp Tết. Tùy lớp, tùy khối lớp và tùy trường mà lượng bài tập nhiều hay ít. Học sinh khối 9 có lẽ sẽ thuộc nhóm phải làm nhiều bài tập Tết nhất bởi các em đang ở giai đoạn tăng tốc cho kỳ thi vào lớp 10”.
Nhiều trường giao bài tập Tết theo cách riêng
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp, Hà Nội cho hay: “Trường có giao bài tập Tết cho học sinh nhưng chỉ giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu Tết cổ truyền, giúp đỡ bố mẹ việc gia đình cuối năm, gắn kết tình cảm và gia đình. Phần tìm hiểu văn hóa Tết cổ truyền, ở địa phương, ở Thủ Đô này cũng là một phần trong Hoạt động Giáo dục địa phương các em được học”.
Thầy Tùng cũng cho biết, học sinh của trường bắt đầu nghỉ Tết từ ngày 23 tháng Chạp và đến ngày mùng 6 tháng Giêng sẽ đi học lại.
Nói về việc nhiều phụ huynh lo ngại học sinh “rơi” kiến thức khi nghỉ Tết dài ngày, thầy Tùng nêu quan điểm: “Kể cả trong trường hợp học sinh quên một phần kiến thức cũng là chuyện bình thường ở lứa tuổi này. Nếu các em quên, thầy cô hoàn toàn có thể hỗ trợ lại vào thời điểm sau Tết. Sau kỳ nghỉ dài ngày, các thầy cô đều dành một quỹ thời gian nhỏ để khởi động lại việc học tập của học sinh đi theo đúng guồng học tập đã định hình. Chỉ cần trong thời gian học tập theo quy định, các học sinh chăm chỉ học tập, hoàn thành nhiệm vụ thầy cô giao một cách tập trung là đủ để phát triển các năng lực và phẩm chất cần có.
Nhiều học sinh lớp chọn, mặc dù học giỏi nhưng vẫn cứ xin các cô giao bài để học trong mấy ngày Tết nhưng các thầy cô cũng khuyên các con nên nghỉ ngơi. Các em nên có một kỳ nghỉ trọn vẹn và đúng nghĩa”.
Thầy Vũ Trí Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức B, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho hay: “Vì nhiệm vụ chính của học sinh là học tập nên trường vẫn giao bài tập Tết cho các em để nhắc nhở nhiệm vụ học tập. Đồng thời việc giao bài tập cũng khơi lại truyền thống ngày xưa cho các em là khai bút đầu năm. Tuy nhiên, mỗi môn chỉ cần giao 1 bài tập để để học sinh làm và các bài tập này cũng không đánh giá hay chấm điểm sau khi học sinh đi học lại”.
Ngày 31/1, thầy Nguyễn Xuân Khang cũng gửi ngay “tối hậu thư” đến các thầy cô giáo trong trường Marie Curie, Hà Nội. Thầy Khang nhấn mạnh: “Trong Gala 20-2012, thay mặt các thầy cô giáo, tôi đã hứa với học sinh của trường từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhân dịp Tết Giáp Thìn, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình”.
Thư ngỏ của thầy Khang đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của học sinh và phụ huynh của trường. “Thầy Khang không bao giờ làm chúng con thất vọng”, một học sinh bày tỏ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng nhắc nhở nhau: “Sau kỳ nghỉ Tết 5 ngày là học sinh bước vào đợt kiểm tra. Các con thì vui, chỉ có phụ huynh là sốt xình xịch lên thôi”.