Nhà vệ sinh trường học lâu nay vẫn là nỗi ám ảnh của học sinh bởi nhiều nơi có mùi hôi, không có giấy… Ngay giữa thủ đô, nhiều nhà vệ sinh vẫn khiến các em sợ đến mức nhịn không dám đi.
Ám ảnh nhà vệ sinh trường học
Vừa đón con học về, chị Nguyễn Thu Hà, có con gái đang học lớp 2 một trường tiểu học ở Hà Nội phụng phịu: “Mẹ ơi, hôm nay con bị cô lao công mắng đấy”. Chị Hà hốt hoảng hỏi con vì sao thì được con kể lại: “Buổi trưa chuẩn bị đi ngủ thì con bị đau bụng. Con ra nhà vệ sinh đi thì cô lao công quát con “Tại sao lại đi giờ này? Chỉ nghịch là nhanh”. Con nói con muốn đi vệ sinh thì cô quát tiếp: “Đi nhanh nhanh lên”. Cô ấy lúc nào cũng quát bọn con”.
Mặc dù chưa rõ đầu đuôi câu chuyện nhưng chị Hà cảm thấy bất bình chia sẻ với PV báo Dân Việt: “Lúc nào cũng bảo hướng đến trường học hạnh phúc nhưng việc đi vệ sinh cũng quát mắng học sinh là sao? Tại sao cô lao công không thể nhẹ nhàng hơn với học sinh khi các em đang có nhu cầu đi vệ sinh thật sự. Có đứa trẻ nào lại chui vào nhà vệ sinh để nghịch không?”.
Nhà vệ sinh trường học đang là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh. Ảnh minh họa: Tào Nga
Chị Hà cho biết, không chỉ học sinh mà ngay đầu năm học một số phụ huynh cũng phản ánh về việc nhà vệ sinh hôi nhưng chưa được xử lý triệt để. Nhất là các lớp học cạnh nhà vệ sinh bị ảnh hưởng rất nhiều khiến phụ huynh nào cũng sợ lớp con mình bị phân chia về đây.
Chị Lê Quỳnh Hoa, có 2 con học tiểu học ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết con chị thường xuyên nhịn đi vệ sinh ở trường và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. “Khi trao đổi trên nhóm phụ huynh, các bố mẹ nói bạn nào cũng chung nỗi niềm. Các con rất sợ nhà vệ sinh vì hôi. Điều tôi lo lắng là con gái chuẩn bị đến tuổi dậy thì, khâu vệ sinh cần kỹ lưỡng hơn con trai. Nhà vệ sinh không chỉ cần giấy mà cần cả vòi xịt, nước sạch.
Các con đang tuổi mải chơi. Không phải ngày nào cũng nhớ mang theo giấy. Con gái mà quên giấy vào ngày đến kỳ kinh nguyệt thì thực sự khủng hoảng”, chị Hoa tâm sự.
Có con gái học lớp 5 trường công, chị Nguyễn Thị Vân Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội chung nỗi niềm. “Nếu các trường học tiên tiến, hiện đại đang nỗ lực đưa băng vệ sinh vào nhà vệ sinh để phục vụ học sinh nữ thì nhiều trường học ở Hà Nội vẫn loay hoay với cuộn giấy vệ sinh và chiếc vòi xịt. Các lớp học ở trường con tôi đều trích quỹ phụ huynh mua giấy vệ sinh. Giấy đặt trong lớp học, các con lấy theo nhu cầu mỗi khi đi vệ sinh. Việc vệ sinh không sạch sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe các con, nhất là các bạn gái nhưng dường như các trường chưa quan tâm đến điều này”, chị Vân Anh nhận định.
Bài toán khó cho các trường
Theo chia sẻ của một hiệu trưởng, một trường tiểu học hoặc THCS có trung bình 2.000 học sinh nên lượng giấy vệ sinh cần trong ngày rất lớn. Trong khi đó, kinh phí cho công tác vệ sinh không chỉ có giấy vệ sinh. Phần chi cần ưu tiên nhất là thuê nhân viên dọn dẹp. Tiếp đó là hóa chất tẩy rửa, làm sạch, dung dịch rửa tay… Để cấp đủ giấy vệ sinh là điều không dễ dàng với nhiều trường học nếu không khéo cân đối thu chi và có phương pháp phù hợp.
Chính vì vậy, thay vì cấp giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh, nhiều trường chọn giải pháp cấp về lớp học để giáo viên chủ nhiệm quản lý kết hợp giáo dục ý thức vệ sinh cho các con, từ việc dùng giấy tiết kiệm đến giữ gìn vệ sinh chung.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp chia sẻ, mỗi tháng trường của ông chi khoảng 80 triệu đồng cho khâu vệ sinh. Con số này là bài toán kinh phí không dễ giải quyết với trường công để có được nhà vệ sinh học đường đạt chuẩn.
Trong bảng khảo sát “Tình trạng vệ sinh học đường tại Việt Nam năm 2022”, hơn 1.000 học sinh được hỏi có 41% trẻ cho biết bị ảnh hưởng thể chất, tác động tâm lý là 46%, nhưng chỉ 29% em chia sẻ nỗi muộn phiền với bố mẹ. Sàn ướt, mùi hôi, dùng chung xà phòng, hỏng khay giữ và thiếu giấy vệ sinh… phổ biến ở một số trường, trở thành nỗi ám ảnh với trẻ.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, có ba lý do khiến trẻ ít chia sẻ với phụ huynh: vấn đề vệ sinh cá nhân vốn khó nói; toilet hôi, bẩn thường được xem là bình thường, tất yếu. Cuối cùng, nhiều em cho rằng dù kể với cha mẹ, thầy cô, thực trạng cũng chưa chắc được giải quyết.
Với mong muốn giải quyết sớm vấn nạn trên, thầy Nguyễn Xuân Khang kiến nghị các cơ sở giáo dục, trường học bốn điểm cần lưu ý: kiểm tra giám sát thường xuyên; bố trí nhân lực vệ sinh liên tục; trang bị phương tiện và vật tư; đầu tư kinh phí xây dựng, cải thiện toiet đạt chuẩn và không gian học tập thoải mái.