Nếu không bỏ lối đá phòng ngự để chơi kiểm soát, chẳng lẽ bóng đá Việt Nam cứ mãi tử thủ trước các đối thủ lớn rồi tự ru ngủ?

Đọc bài viết “Tuyển Việt Nam vô hại khi cố chơi kiểm soát bóng” cũng nhiều bình luận chỉ trích lối đá mà HLV Philippe Troussier đang áp dụng cho đội tuyển quốc gia, tôi thấy nhiều người hiểu sai về lối chơi kiểm soát bóng hiện đại. Nếu xem một số trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh, ví như trận Liverpool gặp Fulham tại vòng 14 vừa qua, chúng ta có thể thấy ngay cả các đội bóng nhỏ, được đánh giá yếu, khi đối đầu với các CLB lớn hơn sẽ luôn sử dụng lối chơi kiểm soát bóng.

Mặc dù họ có thể hoàn toàn bị áp đảo bởi trình độ và thời lượng kiểm soát bóng, nhưng các CLB nhỏ này vẫn triển khai bóng từ vị trí thủ môn, cố gắng di chuyển, cầm bóng nhiều nhất có thể ở phần sân nhà, sẵn sàng tranh chấp từng pha bóng với đối thủ và thực hiện những pha chuyển đổi trạng thái nhanh để tìm kiếm cơ hội ghi bàn từ các đợt phản công.

Lối chơi của Fulham trong trận đấu Liverpool cũng chính là lối đá mà HLV Troussier áp dụng cho đội tuyển Việt Nam trong hiệp 1 trận giao hữu với Trung Quốc hồi tháng 10. Đây cũng chính là lối chơi mà ông thầy người Pháp đang theo đuổi, cũng chính là phong cách phù hợp nhất với xu thế bóng đá hiện đại. Bóng đá ngày nay không còn là sàn diễn của Tiki Taka ngày nào của Barca, hay của một đội tuyển hùng mạnh như Brazil. Thay vào đó, bóng đá hiện đại tôn vinh lối chơi kiểm soát.

Vấn đề là để thực hiện được thuần thục lối đá này, chúng ta còn cần phải chỉnh sửa rất nhiều điểm yếu cố hữu, như các bài phối hợp 1/3 cuối sân đối phương như thế nào để tạo cơ hội ghi bàn, cũng như bố trí nhân sự phù hợp để phục vụ mục đích chơi bóng kiểm soát. Đó đương nhiên sẽ là một bài toán hóc búa mà HLV Troussier phải tìm cách giải. Thành công hay không cũng còn phải chờ thời gian trả lời.

Đặt câu hỏi ngược lại, nếu không theo lối đá kiểm soát hiện đại thì tuyển Việt Nam sẽ chơi bóng kiểu gì? Chẳng lẽ chúng ta sẽ trở về với lối chơi rình mò, phòng ngự theo kiểu tử thủ rồi chờ đợi những cơ hội phản công ít ỏi? Rồi khi gặp các đội bóng quá mạnh, vượt xa trình độ của mình, chúng ta lại tìm cách phá bóng thật mạnh lên phía trên để hạn chế bàn thua và tự ru ngủ mình bằng các trận thua sát nút hay các trận hòa không bàn thắng?

Nếu chúng ta không thay đổi theo dòng chảy của bóng đá hiện đại thì chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ mãi chìm sâu dưới đáy “ao làng”. Lúc đó, chúng ta sẽ quay lại thời kỳ trước cả khi HLV Park đến dẫn dắt đội tuyển. Và rồi, người hâm mộ Việt Nam sẽ phải chứng kiến bóng đá nước nhà suốt ngày cứ mãi cạnh tranh với Indonesia, Malaysia, Singapore, chứ đừng nói tới Thái Lan. Sau đó, người Việt lại lấy thành tích “lọt vào chung kết SEA Games hay AFF Cup” để làm niềm vui nhỏ nhoi hay sao?

Bất kỳ công việc nào cũng vậy, con người sẽ phải thay đổi theo thời đại. Con người hiện tại không phù hợp, nhưng định hướng đúng sẽ là tiền đề để các thế hệ sau tiếp tục hoàn thiện để dần đáp ứng hơn. Chí ít, làm vậy vẫn còn hơn là mãi loay hoay trong bóng tối mà không dám tìm đường thoát ra.

Tôi cho rằng, ở Việt Nam hiện nay không có một HLV nội nào có đủ khả năng dẫn dắt đội tuyển với kỳ vọng tiến ra biển lớn cả. Vì HLV Việt cũng như cầu thủ Việt không có cơ hội cọ xát với môi trường bóng đá chuyên nghiệp của các giải đấu hàng đầu thế giới. Những con người chỉ quanh quẩn trong V-League năm này qua năm khác thì dù giỏi đến mấy cũng khó lòng có thể đáp ứng đủ kỳ vọng.

Còn nếu ăn xổi, chỉ dồn lực đầu tư cho 1-2 lứa cầu thủ trẻ để tìm kiếm danh hiệu trong ngắn hạn thì cũng chẳng ích gì. Cứ nhìn lứa U19 Việt Nam ngày nào với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, thành tích tốt nhất của họ cũng chỉ dừng lại ở các giải trẻ mà thôi, chứ chưa thể đủ sức bơi ra khỏi V-League. Vậy thử hỏi như vậy làm sao gánh vác được các mục tiêu xa hơn như Asian Cup hay World Cup?

Tôi tin rằng, cách tốt nhất là bóng đá Việt Nam vẫn phải đầu tư đồng bộ, có hệ thống, từ dưới lên trên. Từ lứa U6 đến U17, tất cả phải chung một giáo án chuyên nghiệp, chung một kiểu sân thi đấu, chung một phong cách chơi bóng và tường tận các chiến thuật. Sau đó, kết hợp với công tác tìm kiếm tài năng trẻ từ các môi trường bóng đá học đường, lúc đó thì mới hy vọng các lứa cầu thủ trong tương lai đáp ứng được yêu cầu, đấu pháp, chiến lực mà HLV ngoại đề ra.