Xung quanh câu chuyện Báu – Minh Tuệ, tôi thấy đa số bị cuốn vào những tranh cãi quá chi tiết, rắc rối, lại đặt nó trong những thuyết âm mưu phức tạp và khó kiểm chứng. Tôi gạt thuyết âm mưu sang bên ngay từ đầu, tôi cũng không đoán già đoán non về động cơ mục đích của Đoàn Văn Báu, tôi chỉ suy nghĩ trên “tư liệu” – những gì mình thấy được, nghe được, đọc được, như đã viết trong 2 stt vừa rồi. Lần này cũng thế.
Tôi đặt giả định thế này: Bạn sống trong một gia đình, nhưng mỗi ngày bạn lên mạng xã hội, viết bài, đăng video, live-stream nói về gia đình mình, bình phẩm về vợ, về chồng, về con, về mẹ chồng, bố chồng; hôm nay họ đã ứng xử thế này, họ làm hỏng cái kia, họ sai chỗ nọ, họ dở chỗ kia, v.v…, thì dù những điều bạn nói là hoàn toàn chính xác, thử hỏi gia đình ấy tồn tại được mấy ngày?
Tôi mới có một chuyến đi chơi trên Tây Bắc với các thầy và mấy người bạn mình, nếu tôi cũng làm như thế, có ai chịu nổi tôi không? Nếu tôi có một người vợ, người bạn, hay một cộng sự mà hở tí là đưa “chuyện nhà” lên mạng xã hội cho thiên hạ bàn tán, nói thật, tôi đành phải tạm biệt họ.
Đoàn của Minh Tuệ là một nhóm đi tu, nhưng mỗi ngày trong cái đoàn ấy, có một vài người (độc quyền thông tin và một chiều) luôn nhận xét về người này, đánh giá người kia, bình phẩm về người nọ…, và phát lên cho hàng triệu người đang hiếu kỳ xem, bạn thấy có ổn không?
Ở đây chúng ta cần nhìn thấy 3 đối tượng: Người trợ giúp (Báu, Giáp…), những nhà sư, và công chúng. Nhóm thứ nhất và thứ hai có thể gọi là “người một nhà”, “cùng hội cùng thuyền”, chung một mục tiêu và đích đến. Nó chính là “nội bộ”. Trong đoàn nếu có vấn đề gì thì phải cùng ngồi lại bàn thảo, tìm cách giải quyết vướng mắc, tìm cách tháo gỡ, mục đích là để chuyến đi được thuận lợi và thành công.
Đó mới là người hiểu chuyện, là “hộ pháp”, là biết ứng xử một cách tối thiểu với cái lẽ thường ở đời. Phải cân nhắc, cái gì nên nói ra cho công chúng biết, cái gì không, thậm chí không nên nói bất kỳ điều gì cả ngoài việc cập nhật hành trình, ví dụ “Hôm nay đoàn đã tới điểm A, có chút khó khăn nhưng cơ bản ổn”. Vậy thôi.
Ông Báu không làm thế. Ông đi trong đoàn với vai trò tự nhận là “trưởng đoàn”, rồi liên tục lives, phát, đăng video về đoàn, người này người kia. Ông thông tin cho thấy ai cũng “có vấn đề” cả, mỗi ông là đúng, là tốt. Giả sử những điều ông nói là không sai đi chăng nữa, thì cách ông làm cũng không ai chấp nhận được, vì biến cả đoàn người thành mồi nhậu cho đám đông, tạo nên thị phi không dứt.
Không ai bắt phải bưng bít thông tin, hay “đóng cửa bảo nhau” cả, nhưng công chúng có giải quyết được vấn đề nội bộ của đoàn không? Một ông chồng hay bà vợ, vì bất hòa với đối phương mà tung lên mạng, thì dân mạng sẽ làm gì? Giúp hàn gắn gia đình ấy chăng?
Phải xác định đâu là chuyện riêng tư, đâu là công vụ, đâu là việc nội bộ, đâu là minh bạch thông tin; phải hiểu cái gì nên đưa lên mạng, cái gì không, cái gì phải tự giải quyết với nhau, cái gì cần dư luận và chính quyền can thiệp. Không thế, mọi thứ sẽ nát bét.
Một lần nữa, tôi chưa cần để ý đến những thuyết âm mưu (như Báu có phải an ninh làm nhiệm vụ hay không) hay động cơ này kia của ông ấy (như chỉ kiếm tiền, kiếm danh); nhưng chỉ nội cái việc và cái cách ông làm là đã sai ngay từ đầu. Không có bất cứ gia đình, đoàn thể, tổ chức nào chấp nhận được một người có lối ứng xử như thế, và chắc chắn nó cũng không thể mang lại điều gì tốt đẹp cho những nơi ấy (cho dù giả sử anh có ý tốt đi chăng nữa).
Đấy là chưa nói đến việc tất cả các thành viên khác đều không sử dụng mạng xã hội, không lên để đính chính hay trao đổi lại được, anh chỉ đưa thông tin một chiều, đó là bất công. Nếu vẫn thấy khó hiểu thì bạn cứ tự đặt mình vào tình huống tương tự, xem mình có thấy điều gì tốt đẹp với một người thân cận luôn làm như thế hay không, thì rõ ngay.
Dù anh có ý tốt đến đâu mà anh làm như thế, nó sẽ phá nát đoàn thể. Cuối cùng, tất cả đều sai, đều xấu, chỉ còn mỗi anh là đúng, là tốt. Và thực tế, hiện nay ông Báu, sau một thời gian “cho tất cả lên sóng” thì đã tạo ra được một “quần chúng” của riêng mình, một mực tôn vinh ông và quay ra chỉ trích đoàn người tu, kể cả với Minh Tuệ. Thế nghĩa là ông Báu không những không giúp gì để đoàn thể ấy trở nên tốt hơn, thuận lợi hơn, thành công hơn, mà ngược lại, chia rẽ và làm lung lạc những giá trị đang cần củng cố và xây dựng trong lòng người vốn đã quá nhiều mất mát.
Tóm lại, ông Báu về là đúng, và không nên quay lại nữa, nếu ông vẫn giữ lối cư xử kỳ quặc ấy. Đó cũng là bài học cho tất cả chúng ta, vì ai cũng thuộc về một gia đình, một cộng đồng, một đoàn thể…