Từng được xem là thiên đường xe điện của Đông Nam Á, Thái Lan bất ngờ chứng kiến doanh số suy giảm.
Doanh số xe điện tại Thái Lan đã giảm 8,1% so với cùng kỳ trong năm 2024, xuống còn 70.137 xe, theo trang Autolife Thailand. Có thể thấy, con số trên hiện thấp hơn doanh số xe điện của thị trường Việt Nam, hay nói cách khác là thấp hơn cả hãng VinFast (87.000 ô tô điện), chưa kể các nhà sản xuất khác.
Đáng chú ý, thị phần xe điện chỉ chiếm 14% tại Thái Lan, trong khi đó tỷ lệ này tại Việt Nam lên tới 17,6%.
Cùng nhìn vào 2 thị trường lớn khác tại Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia, thị phần xe điện thậm chí còn thấp hơn dù có doanh số gấp đôi Việt Nam. Theo đó, doanh số bán hàng ô tô tại Indonesia năm 2024 đạt hơn 865 nghìn xe và xe điện chỉ chiếm chưa tới 5%. Trong khi đó, thị trường Malaysia đã chứng kiến hơn 840.000 xe bán ra, thị phần xe điện chỉ chiếm 2,6%.
Trong vài năm qua, thị trường ô tô Thái Lan có sự tăng trưởng mạnh mẽ về xe điện. Trong 2020, quốc gia này bán 1.056 xe, 2021 là 1.935 xe. Trong 2022, số xe điện bán được ở Thái Lan đạt 9.729 xe. Năm 2023, doanh số tăng vọt lên gần 700%, đạt 76.314 xe và biến nơi đây thành thiên đường xe điện của Đông Nam Á.
Tuy nhiên, đến năm 2024, doanh số đã không duy trì được đà tăng và lỡ mất mục tiêu 100.000 chiếc mà Hiệp hội Xe điện Thái Lan (EVAT) đặt ra. Đây không chỉ là sự suy giảm của riêng xe điện mà còn phản ánh tình hình chung ngành ô tô Thái Lan, nơi vốn được mệnh danh là Detroit Đông Nam Á.
Theo WapCar, nguyên nhân của mức sụt giảm trong doanh số xe điện là do mức nợ hộ gia đình cao khiến các ngân hàng phải thắt chặt tiêu chí cho vay khi xem xét các khoản vay mua ô tô.
“Nợ hộ gia đình tăng cao đang thắt chặt tín dụng, điều này gây khó khăn cho việc bán xe điện”, ông Siamnat Panassorn, đại diện EVAT Thái Lan chia sẻ.
Bên cạnh đó, sự đổ bộ ồ ạt của xe điện đến từ Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến thị trường Thái Lan lao dốc.
Chính sách khuyến khích xe điện của Thái Lan đã khiến thị trường trở nên thừa mứa khi lượng xe Trung Quốc tràn vào quá nhiều so với lượng người mua. Điều đó buộc các hãng phải, đại lý giảm giá.
Trong khi đó, mặc dù thị trường Thái Lan không quá sáng sủa, song từ góc nhìn của các hãng Trung Quốc vẫn còn tốt hơn thị trường quê nhà đang quá thừa. Do đó, họ vẫn ồ ạt xuất khẩu sang Thái Lan, làm tăng thêm áp lực.
Tần suất và cường độ giảm giá quá dày đặc đã khiến các ngân hàng rút lại các khoản vay cho đại lý ô tô, do đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Nhiều đại lý, đặc biệt là các đại lý nhỏ, phụ thuộc vào các khoản vay để nhập xe về. Không được vay, thiếu xe trong kho, khách phải chờ lâu, dần mất niềm tin và cuối cùng sẽ phá sản, xóa sổ doanh nghiệp.
Sự sụt giảm nhanh chóng của giá xe mới cũng khiến xe đã qua sử dụng mất giá. Giá trị bán lại thấp hơn số tiền nợ ngân hàng (thường mua xe trả góp) khiến chủ xe nợ ngập đầu.
Chiến thuật mà một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sử dụng chỉ làm tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng vào các thương hiệu ô tô và có thể làm hỏng hình ảnh của xe điện Trung Quốc, theo Shen Xinghua, Giám đốc điều hành của Changan Auto Đông Nam Á, một chi nhánh của công ty có trụ sở tại Trùng Khánh, Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, việc phát triển thương hiệu ô tô nội địa đang trở thành yếu tố cốt lõi để giảm phụ thuộc vào các hãng xe nước ngoài. VinFast trở thành hãng xe hàng đầu Việt Nam cũng cho thấy xu hướng chuyển đổi xanh hóa ngày càng tăng của thị trường.