Đây là các tuyến xe buýt gom, vận chuyển hành khách từ khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trường học… đến các nhà ga metro và ngược lại.
Ngày 5/12, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP. HCM) cho biết, 17 tuyến và 150 xe buýt điện đã sẵn sàng lăn bánh khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại vào ngày 22/12 tới.
Danh sách 17 tuyến buýt điện bao gồm các tuyến số 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169. Tất cả đều do Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabuslines) trúng thầu và đảm nhận khai thác. Đây là các tuyến xe buýt gom, vận chuyển hành khách từ khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trường học và các đầu mối giao thông tại TP. Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1… đến các nhà ga metro và ngược lại.
Để đảm bảo vận hành ổn định, Công ty Phương Trang đã xây dựng hai trạm sạc điện tại TP. Thủ Đức và tận dụng hạ tầng sẵn có như bến xe, trạm dừng nghỉ để đầu tư thêm hệ thống trạm sạc.
Đại diện Công ty Phương Trang cho biết, toàn bộ các xe buýt kết nối Metro số 1 đều là xe buýt điện, thân thiện với môi trường. Xe buýt điện do một nhà máy ở Huế sản xuất với công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng vượt trội. Công ty đã thắng thầu để cung cấp 400 xe điện phục vụ kết nối Metro số 1. Giai đoạn 1, Công ty cung cấp 150 xe buýt điện để phục vụ cho 17 tuyến kết nối với Metro số 1.
Hiện mạng lưới xe buýt của TP. HCM có hơn 2.000 xe, trong đó gần 550 xe là buýt điện và chạy bằng khí nén CNG, số còn lại sử dụng dầu diesel.
Từ năm 2022, thành phố đã bắt đầu thí điểm 5 tuyến buýt điện, nhưng đến nay chỉ có tuyến D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) đi vào khai thác. Sở Giao thông Vận tải cho biết tuyến D4 nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hành khách với lượng khách tăng đều qua thời gian.
TP. HCM đang hướng đến mục tiêu từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế và đầu tư mới đều sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Kế hoạch này nhằm thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thành phố hiện đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ để thu hút đơn vị vận tải tham gia đầu tư vào hệ thống xe buýt xanh.
Nhận diện xe buýt Phương Trang kết nối với tuyến Metro số 1
Tại Hội nghị Thành ủy TP. HCM lần thứ 34, tổ chức chiều 4/12, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt Đô thị (MAUR) cho biết, các bên liên quan đang gấp rút hoàn thiện các công việc để chuẩn bị cho khai thác thương mại tuyến Metro số 1.
Theo ông Bằng, phương án phòng cháy chữa cháy cho 14 nhà ga đã được Công an Thành phố phê duyệt. Các cuộc diễn tập đã được tổ chức tại ga ngầm Bến Thành và ga trên cao Tân Cảng. MAUR, Sở Giao thông Vận tải và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị (HURC) đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các bước chuẩn bị cho công tác vận hành.
Tuyến Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP. HCM, có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tuyến dài gần 20km, nối từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), bao gồm 11 ga trên cao và 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son). Nhiều nhà ga của dự án được xây dựng hệ thống cầu bộ hành, bãi đậu xe… để tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận.
Dự kiến từ ngày 9/12 đến 21/12, tuyến Metro sẽ được vận hành thử nghiệm trước khi chính thức khai thác thương mại vào ngày 22/12. MAUR cũng đang tiếp tục giải quyết các công việc tồn đọng liên quan đến tranh chấp, khiếu nại và đảm bảo tiến độ giải ngân.
Tuyến Metro số 1 được xác định là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và TP. HCM. Những vướng mắc lớn của dự án đã được tháo gỡ, mở ra kỳ vọng mới cho hạ tầng giao thông đô thị hiện đại của thành phố.