Khi bị chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, ông Stamatis Moraitis được chuẩn đoán chỉ sống thêm vài tháng. Tuy nhiên, cụ đã tiếp tục sống thêm 37 năm và qua đời ở tuổi 102.
Cụ Moraitis sinh năm 1911 ở Hy Lạp, sau đó nhập cư vào Mỹ. Cũng như nhiều người nhập cư khác, cụ Moraitis cố gắng làm việc chăm chỉ để xây dựng cuộc sống.
Một ngày năm 1976, Moraitis thấy khó thở. Leo lên cầu thang một cách nặng nhọc, ông phải bỏ làm việc giữa ngày. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ kết luận Moraitis bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Như ông nhớ lại, 9 bác sĩ khác cũng đã xác nhận chẩn đoán này. Họ nói rằng ông chỉ còn 6- 9 tháng để sống. Lúc đó, ông đang độ 65 tuổi.
Hòn đảo nơi người ta quên đi cái chết
Moraitis cân nhắc việc ở lại Mỹ và đi theo những cách trị liệu ung thư tại một bệnh viện địa phương. Theo cách đó, ông cũng có thể ở gần những đứa con đã lớn của mình. Nhưng thay vì vậy, ông quyết định trở về hòn đảo Ikaria (Hy Lạp), nơi ông có thể được chôn cất cùng tổ tiên ở một nghĩa trang nơi những cây sồi che bóng nhìn ra biển Aegean. Ông hiểu rằng một đám tang ở Mỹ có thể tốn hàng ngàn đô, một đám tang truyền thống kiểu Ikaria chỉ mất 200 đô, ông có thể để lại nhiều tiền tiết kiệm sau khi nghỉ hưu cho vợ ông, bà Elpiniki.
Moraitis và Elpiniki chuyển về sống cùng bố mẹ già của ông, trong một căn nhà nhỏ, sơn trắng cạnh hai mẫu vườn nho gần Evdilos, phía bắc Ikaria. Ban đầu, ông dành ngày tháng của mình trên giường, khi mẹ và vợ chăm sóc cho ông. Sau đó, vào các sáng chủ nhật, ông đi lên ngọn đồi đến một nhà nguyện Hy Lạp nhỏ bé nơi ông của ông từng phục vụ như một linh mục. Khi những người bạn thời thơ ấu phát hiện ra ông đã chuyển về, họ bắt đầu đến thăm ông mỗi buổi chiều. Họ cùng nhau nói chuyện hàng giờ, một hoạt động mà không bao giờ thiếu 1-2 chai rượu vang địa phương.
Trong những tháng tiếp theo, ông Moraitis nói rằng mình bắt đầu cảm thấy khoẻ hơn. Những ngày tháng đó, ông chỉ quan tâm đến mảnh vườn của mình và vườn nho gia đình. Ông không mong chờ còn sống để mà thu hoạch chúng, nhưng ông tận hưởng việc ở dưới ánh nắng mặt trời, hít thở không khí vùng biển. Bà Elpiniki cũng có thể thu hoạch những cây rau tươi sau khi ông ra đi. Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 6 tháng trôi qua, ông Moraitis không chết, ông thậm chí đã sống đến 37 năm sau khi bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối.
Trên thực tế, Ikaria là một địa điểm biệt lập, độc đáo, một hòn đảo nơi mọi người thường xuyên sống trên 100 tuổi. Lúc ấy, ông Moraitis không hề biết mình đã trở về Vùng Xanh.
Vùng Xanh (Blue Zones) là các khu vực được cho là tập trung nhiều người trên 100 tuổi và khỏe mạnh, ít vấn đề sức khỏe. Blue Zones hiện được xác định gồm 5 khu vực: Nicoyan ở Costa Rica; Loma Linda ở California, Mỹ; đảo Okinawa ở Nhật Bản; Sardinia ở Ý và Ikaria ở Hy Lạp.
Đảo Ikaria (Hy Lạp)
Khi tác giả và chuyên gia về tuổi thọ Dan Buettner đến thăm Ikaria để tìm hiểu về bí quyết sống thọ của hòn đảo, Buettner đã gặp ông.
“Tôi hỏi ông ấy: bí mật của ông là gì?”, Buettner kể lại trong serie phim tài liệu mới của Netflix “Sống tới 100: Bí mật của Vùng xanh”.
“Ông ấy chỉ nhún vai và nói ‘Tôi không biết! Tôi đoán là tôi đã quên cái chết rồi.'”
Dan Buettner trò chuyện cùng ông Moraitis
Môi trường sống “xanh” giúp kéo dài tuổi thọ
Rất khó biết chính xác tại sao Moraitis lại sống thêm được đến 37 năm sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Không loại trừ khả năng ông sở hữu vài đặc tính di truyền độc đáo thường thấy ở người sống thọ, giúp bảo vệ họ khỏi nhiều bệnh chẳng hạn như ung thư.
Nhưng nhà thám hiểm Buettner nghi ngờ rằng yếu tố chính giúp kéo dài tuổi thọ không đến từ bên trong, mà từ môi trường xung quanh: con người, cây cỏ, không khí, lối sống. Một nghiên cứu trên 2.872 cặp sinh đôi Đan Mạch chỉ ra di truyền chỉ quyết định 20 – 25% tuổi thọ.
“Moraitis không cố ý làm bất cứ điều gì để trở nên khỏe mạnh hơn. Tất cả những gì ông ấy làm là thay đổi môi trường sống”, nhà thám hiểm Buettner chỉ ra.
Nhà thám hiểm Buettner thậm chí còn cố gắng thiết lập lối sống của cư dân Ikaria tại Mỹ và đạt được thành công đáng kể. Bắt đầu từ thị trấn Albert Lea trên địa bàn bang Minnesota vào năm 2009, dự án Vùng xanh của ông làm việc với các thành phố nhằm đem lại nhiều cơ hội đi bộ và tập thể dục hơn, nâng cấp vỉa hè và lập làn đường cho xe đạp, thúc đẩy các quán ăn và cửa hàng cung cấp bữa ăn lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi người tìm ra mục đích sống thông qua hoạt động tình nguyện, đi bộ, làm vườn hoặc vẽ tranh tường.
“Tôi tin hầu hết chúng ta là nạn nhân của môi trường xung quanh”, theo nhà thám hiểm Buettner. Với trường hợp Moraitis, môi trường sống buộc ông phải leo thang hái ô liu và thu hoạch nho. Công việc hằng ngày đem lại mục đích sống. Nếu muốn nấu ăn với dầu ô liu hoặc rưới nó lên món salad, Moraitis phải ra vườn lấy ô liu vào để ép.
Cụ ông Moraitis qua đời vào ngày 3/2/2013 vì tuổi già chứ không phải vì ung thư. Câu chuyện của cụ Moraitis đã được truyền thông thế giới chú ý. Thông điệp sống của ông đến nay vẫn đầy ý nghĩa. Đó là lối sống gần gũi với thiên nhiên và ăn uống lành mạnh.