Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí y khoa của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ Cancer Discovery, đã tìm ra phương pháp để làm giảm số lượng tế bào ung thư tuyến tụy – là loại ung thư nguy hiểm và khó trị nhất, từ một loại vitamin phổ biến, có nhiều trong chuối, thịt gà và cá!
Vitamin B6 có lợi về nhiều mặt, đặc biệt là vai trò của nó trong việc duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khi ung thư tuyến tụy phát triển, các tế bào ung thư cũng hút vitamin B6 để tái tạo. Trong cuộc tranh giành vitamin B6, tế bào khối u ung thư tuyến tụy hầu như luôn chiến thắng tế bào khỏe mạnh.
Một nhà nghiên cứu tại Trường Y, Đại học Oklahoma (OU Health) ở Mỹ đã lần theo dấu vết đầy hứa hẹn của những manh mối nhằm đảo ngược phần thắng này, theo chuyên trang y tế News Medical.
Các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp để làm giảm số lượng tế bào ung thư tuyến tụy từ một loại vitamin phổ biến, có nhiều trong chuối, thịt gà và cá
SHUTTERSTOCK
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Kamiya Mehla, Phó giáo sư khoa học ung thư tại OU Health, nhà nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Stephenson tại OU Health, cho biết: Nghiên cứu này tìm cách tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư tuyến tụy, và đã được Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.
Tiến sĩ Mehla giải thích: Vitamin B6 hỗ trợ các tế bào của hệ thống miễn dịch, bao gồm cả các tế bào “sát thủ tự nhiên” (NK), là những tế bào đầu tiên phản ứng với mọi bệnh lý từ cảm lạnh thông thường đến ung thư.
Tuy nhiên, khi mắc ung thư tuyến tụy, tế bào NK vắng mặt một cách đáng chú ý. Bởi vì các tế bào ung thư sử dụng hết lượng vitamin B6 mà tế bào NK cần để thực hiện công việc của chúng.
Tiến sĩ Mehla cho biết: Ung thư tuyến tụy rất “khó trị”, chỉ 11% bệnh nhân sống sót sau 5 năm. Vì vậy, các nhà khoa học cần phải nghiên cứu để phát triển các phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy mới.
Cô Mehla nói: Phòng thí nghiệm của tôi tập trung vào vai trò của vitamin B6 vì nó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ mở ra các phương pháp điều trị mới cho ung thư tuyến tụy.
Trong phòng thí nghiệm của mình, cô Mehla phát hiện ra rằng cung cấp nhiều vitamin B6 hơn vẫn không giúp ích gì cho tế bào NK, vì khi đó, tế bào ung thư tuyến tụy càng phát triển nhiều hơn.
Ung thư tuyến tụy rất “khó trị”, chỉ 11% bệnh nhân sống sót sau 5 năm
SHUTTERSTOCK
Cô đã nghiên cứu những hành động mà tế bào ung thư thực hiện để hút kiệt vitamin B6, sau đó nghĩ ra cách để cản trở chúng.
Cuối cùng cô đã phát hiện ra một chiến lược gồm 3 bước. Bước 1 liên quan đến việc giảm sự biểu hiện của một gien cụ thể để ngăn chặn con đường mà ung thư hấp thụ vitamin B6. Bước thứ 2 là cung cấp thêm vitamin B6 và bước thứ 3 sử dụng liệu pháp để tăng cường chức năng của tế bào NK, giống như điều chỉnh động cơ ô tô.
Thật bất ngờ, khi thử nghiệm chiến lược này trên chuột, kết quả là đã làm giảm số lượng tế bào ung thư tuyến tụy, theo News Medical.
Tiến sĩ Mehla nói: Thật đáng khích lệ khi phát hiện ra điều này và điều quan trọng là hệ thống miễn dịch cần phải mạnh để các phương pháp điều trị khác, như hóa trị, có hiệu quả. Liệu pháp sẽ không hiệu quả nếu hệ thống miễn dịch không thể thực hiện được vai trò của nó.
Cô có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu này và mở rộng sang các mối quan tâm liên quan. Vì ung thư tuyến tụy gây ra các vấn đề khắp cơ thể trong nỗ lực hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn nên cô sẽ nghiên cứu xem sự thiếu hụt vitamin B6 ảnh hưởng như thế nào đến các cơ quan khác, đặc biệt là gan, khi có tế bào ung thư.
Nguồn: Báo Thanh Niên