14 tuổi, em vẫn trong vòng tay cha mẹ, là đứa cháu cưng của ông bà; lên 15, 5 người trong gia đình bỏ em đi, em quay cuồng những ngày gấp gáp học cách trưởng thành.
Một sáng tháng Tám, trong căn nhà xập xệ còn đặc mùi nhang khói ở Tân Túc (Bình Chánh, TP.HCM), cô bé 15 tuổi với tay tắt báo thức điểm 6h trên điện thoại. Một ngày mới lại bắt đầu!
Trên con đường ngoắt ngoéo dẫn ra đường lớn, nhìn màn sương còn chưa kịp tan, em lại vu vơ ước: “Giá như mẹ giữ lời hứa ở lại chở em đi học; Giá như cha không tức tưởi bỏ em đi; Giá như ông bà vẫn còn; Giá như dịch COVID-19 không tàn nhẫn cướp đi những người thân yêu nhất của em…”.
Biến cố cuộc đời
Cú thắng gấp làm đủ thứ khay hộp đựng dụng cụ học làm móng rơi khỏi chiếc xe cà tàng. Dừng xe trước một gia đình đang dựng rạp làm đám giỗ cho người thân, nước mắt em chực trào. Em nhận ra, đám giỗ có rạp lớn, hàng chục bàn mời khách, mướn người nấu ăn, anh em họ hàng đông đủ.
Nguyễn Thị Mai Khanh, cô bé mất 5 người thân trong đại dịch COVID-19.
Ngược ký ức về vài ngày trước, em nức nở khóc thành tiếng. Đám giỗ cha mẹ, ông bà ngoại, bà cô, những người thân yêu nhất của em chỉ vỏn vẹn vài món cơm canh với 3 bàn đón khách. Buồn hơn nữa khi đây lại là giỗ đầu của họ, sau một năm mất vì COVID-19.
Em là Nguyễn Thị Mai Khanh, 15 tuổi. Năm ngoái, tên của em xuất hiện trên báo với nỗi đau tột cùng khi đột ngột mất đi 5 người thân yêu nhất trong đại dịch COVID-19 là cha mẹ, ông bà ngoại, sau đó là cả bà cô nữa.
“Lớn chậm” hơn đám trẻ cùng trang lứa, Mai Khanh mất 2 – 3 năm khó nhọc để vượt qua lớp 2. Đến lớp 4, cha mẹ em quyết định cho em thôi học để khỏi tủi hổ với bạn bè. Từ hồi nghỉ học, em luôn trong vòng tay bao bọc của cha mẹ dù gia đình chẳng mấy khá khẩm.
Tháng 7/2021, tai ương ập đến gia đình em, từng người thân lần lượt bị “cơn bão” COVID-19 cuốn đi.
Bắt đầu từ cơn trở bệnh của bà cô ruột ở Long An không ai chăm sóc, cả nhà Mai Khanh rời Tân Túc (Bình Chánh, TP.HCM) về Long An chăm bà. Rồi một tuần sau, anh Nguyễn Thanh Sang (ba của Mai Khanh) cũng xuất hiện các triệu chứng bệnh tương tự.
Rạng sáng 10/7/2021, bi kịch ập đến. Nằm cạnh bên nhưng tiếng gọi “cha ơi” không nhận được lời hồi đáp, Mai Khanh hốt hoảng gọi mẹ. Bà Tuyết Mai (mẹ Mai Khanh) tới, đau đớn nhìn chồng đã bỏ hai mẹ con mà đi. Anh Sang được đưa đi hoả táng sáng cùng ngày. Tin dữ dồn dập, khi còn ở cơ sở hoả táng, hai mẹ con bà Tuyết Mai lại nhận được tin bà cô cũng mất vào chiều cùng ngày.
Mang theo nỗi đau mất người thân trở về Tân Túc, mấy ngày sau, chị Tuyết Mai bắt đầu có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Ông bà ngoại Mai Khanh cũng có triệu chứng tương tự. Cả ba người thân của em lần lượt được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được đưa đi cách ly, điều trị.
Cha mẹ, ông bà ngoại, bà cô ruột của Mai Khanh đều mất vì COVID-19.
Cứ thế, những người thân yêu nhất của em rời đi, trở về chỉ còn là những hũ tro cốt được dán tên: Nguyễn Thị Lang – mất ngày 1/8, Nguyễn Thị Tuyết Mai – mất ngày 5/8, Nguyễn Văn Quân – mất ngày 6/8.
Sau biến cố cuộc đời, chỗ dựa duy nhất để Mai Khanh bám víu là hai cậu ruột Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thanh Hải. Ở cạnh nhà hai cậu, cô bé 14 tuổi gấp rút học cách trưởng thành.
Thương cháu, song cuộc sống chật vật buộc các cậu lam lũ kiếm sống bằng đủ thứ nghề, người giữ xe, người làm bảo vệ. Chẳng thể mãi ở bên chỉ dạy cho Mai Khanh, hai cậu quyết định cho em đi học nghề làm móng. Đây cũng là sở thích của Mai Khanh từ lâu.
Mai Khanh gặp chúng tôi trước khi vào lớp học, em lau vội đôi mắt còn rớm nước vì không muốn người khác thấy mình yếu đuối. Lớp học đặc biệt với hoàn cảnh đặc biệt chỉ có một cô – một trò.
“Mẹ nói khi em lớn sẽ cho đi học làm móng. Hồi mẹ bệnh, mẹ nói ráng khoẻ để sau còn chở em đi học, thế mà mẹ không giữ lời”, Mai Khanh ôm khư khư bộ đồ nghề, mắt nhìn vô định.
Như sực nhớ chuyện gì đó, Mai Khanh hỏi chúng tôi: “Giỗ đầu là làm to lắm hả anh chị?”. Câu hỏi bất ngờ của em khiến chúng tôi chững lại vài giây. Chưa kịp trả lời, em đã vội chào chúng tôi để vào lớp, chúng tôi hiểu em đang cố tránh né câu chuyện của chính mình.
5 đám giỗ đầu…
Chúng tôi tìm lại nhà của Mai Khanh ở cuối con hẻm nhỏ, căn nhà được tách ra từ phần đất ông bà ngoại để lại cho mẹ và các cậu. Suốt mấy chục năm qua, đại gia đình 3 thế hệ cùng nhau sinh sống, chật hẹp mà ấm cúng.
Bữa cơm tối của Mai Khanh trong những ngày gấp gáp học cách trưởng thành.
Cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Thanh Hùng (cậu ruột Mai Khanh) phần nào lý giải tâm trạng đặc biệt của cô bé. Hơn nửa tháng trước giỗ ba và bà cô, tuần trước giỗ bà, 3 ngày trước giỗ mẹ và ông. 5 đám giỗ liên tục diễn ra trong một tháng, những ngày kinh hoàng lại ùa về trong ký ức của Mai Khanh.
Gần đây, không ít lần giữa đêm anh Hùng và anh Hải hớt hải chạy qua vì tiếng khóc của đứa cháu dại. Trong giấc mơ, em gặp cha mẹ, ấy thế gọi mãi chẳng ai chịu ngoái đầu, cứ thế nước em mắt giàn dụa trong đêm.
Theo lời anh Hùng, việc Mai Khanh đến trường đi học làm móng là một sự thay đổi đặc biệt từ trước đến nay của em: “15 tuổi mà bé nó còn khờ lắm, không được nhanh nhẹn như chúng bạn đâu. Vì vậy nên trước đây, cha mẹ cưng, bao bọc kỹ”.
“Trước hôm đám giỗ cha bé mấy ngày, bé có nhắc tui, nói là sắp đến ngày giỗ thì làm gì. Tui xúc động quá, vì không nghĩ bé nó biết để ý mà hỏi vậy”, anh Hùng nói.
Được cậu chỉ dẫn, Mai Khanh biết đám giỗ sẽ có mâm cúng và mời khách. Trước những ngày giỗ, em đều được cậu hướng dẫn mua gì, bày biện, tháp nhang cúng ra sao…
Mẹ của Mai Khanh trước đây là thợ may, cũng có vài ba người bạn hay qua lại. Biết vậy, anh Hùng chủ động nói Mai Khanh tìm lại số điện thoại, mời họ đến đám giỗ. Nhưng rồi chỉ một, hai người có mặt, vì Mai Khanh không liên lạc được.
Mai Khanh trong căn nhà hiu quạnh, một mình lo nhang khói cho cha mẹ.
Khoảng sân trước nhà ông bà từng là nơi tề tựu của đại gia đình 3 thế hệ, nay được đặt vài ba chiếc bàn đơn giản cho chính đám giỗ của họ. Khách mời là những người họ hàng gần, trong dịch chưa thể đến thắp nén hương đưa tiễn. Thực đơn là cơm canh với vài ba món xào đơn giản.
Trong suy nghĩ của cô bé 15 tuổi chưa kịp lớn, giỗ đầu chỉ như thế, ai cũng như thế. Đến hôm nay, khi thấy một đám giỗ khác, cô bé mới tự trách mình khi chưa thể lo cho cha mẹ, ông bà một đám giỗ chu tất…
Chiều dần buông, sau bữa tối “có gì ăn nấy”, Mai Khanh lại nằm trên chiếc võng đặt giữa nhà, tay cầm điện thoại. Trong căn nhà nhỏ, không gian yên ắng, Khanh chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại với thế giới riêng của mình.
Từng ngày, từng ngày qua, em cũng phải chấp nhận thực tại khi vắng đi tiếng cười nói của ba mẹ, ông bà… Có lẽ, Khanh cũng đã gói ghém nỗi đau, sự nhớ thương vào trong tim mình, để tiếp tục bước đi về phía trước.