Do quen biết lâu năm, tôi cho vay 50 triệu đồng, bạn đồng ý trả lãi suất 3% một tháng, có viết giấy nhận nợ nhưng giờ không trả, nói do lãi cao quá.
Xin hỏi, giờ tôi có thể kiện đòi nợ không? Lãi suất cho vay sẽ được tính theo quy định pháp luật hay thỏa thuận giữa tôi và bạn?
Xin được tư vấn và cảm ơn.
Vay tiền là giao dịch dân sự phổ biến. Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tiền cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay số tiền đã vay và trả lãi nếu có thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất mà pháp luật cho phép.
Theo tình huống miêu tả, người vay đã quá thời hạn trả nợ nhưng luôn tục trì hoãn, xin khất nợ. Nếu không đồng ý, bạn có thể khởi kiện người vay để đề nghị tòa án xử buộc người vay trả cả gốc lẫn lãi.
Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục khởi kiện, bạn cần lưu ý đến vấn đề lãi suất cho vay. Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”.
Theo giấy biên nhận nợ, lãi suất thỏa thuận giữa các bên là 3%/tháng x 12 tháng = 36%/năm (cao hơn mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép).
Do đó, bạn cần điều chỉnh mức lãi suất phù hợp để tiến hành khởi kiện. Nếu không điều chỉnh được mức lãi suất phù hợp thì “mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực” (khoản 1 Điều 468).
Tòa án chỉ áp dụng tối đa trần lãi suất 20%/năm để tuyên buộc bên vay phải trả lãi cho bạn.