Suốt 12 năm học, Cường không biết đến ăn sáng. Nhà nghèo, chàng trai đất Hà Tĩnh phải quần quần việc đồng áng sau giờ học nhưng Cường vẫn học giỏi, là thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM.

Trần Văn Cường (THPT Trần Phú, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) thi ngành Kỹ thuật cơ – điện tử, điểm Toán 9; Lý 9,25 và Hóa 10 điểm. Với tổng điểm 28,5, Cường là thủ khoa của ĐH Bách khoa TP.HCM.

Nhà nghèo hiếu học

Hay tin cậu con trai út (gia đình Cường có 5 anh chị em) đậu thủ khoa, bà Nguyễn Thị Trung (57 tuổi) vội bỏ việc ngoài đồng về nhà. Căn nhà đơn sơ, chỉ có cái ti vi cũ và chiếc xe đạp là quý bỗng rộn ràng niềm vui. “Tôi nghe tin cháu thủ khoa mà mừng rớt nước mắt. Tôi nông dân ít học, các con lớn thì cũng vào Nam làm công nhân. Chỉ có Cường là học giỏi, là niềm hy vọng của cả nhà”.

Thủ khoa Bách khoa TP.HCM: 12 năm nhịn ăn sáng ảnh 1

Trần Văn Cường, thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM.

Bản thân Cường chia sẻ niềm vui nhưng không bất ngờ. “Thi xong em tính cũng được 28 điểm, và nghĩ nếu may mắn chút thì mình sẽ trở thành thủ khoa”, Cường chia sẻ.

Nói về cuộc sống gia đình, bà Trung sụt sùi nước mắt: “Nhà tôi nghèo, chỉ có 4 sào ruộng nên chẳng khi nào đủ ăn. Một ngày tôi thu nhập chưa đến vài chục ngàn. Chồng thì bị bệnh, không lao động được nên một tay tôi cáng đáng cả nhà. Hiện tại thì nhà vẫn đang nợ tiền ngân hàng”.

Gia đình của Cường thuộc diện nghèo trong xã Trung Lễ. Bố em đau ốm liên miên và mắc bệnh mất trí nhớ nên chỉ quanh quẩn trong nhà, không làm được việc. Mẹ Cường thời gian đi làm ruộng còn đi gặt lúa, cắt cỏ thuê. Cả gia đình chỉ nuôi mấy con gà, quý giá nhất là con bò. Cố gắng lắm mới đủ gạo ăn chèo chống qua ngày. Các anh chị của Cường đã trưởng thành, chủ yếu đi làm công nhân ở miền Nam, đồng lương eo hẹp không giúp gì được cho bố mẹ và em.

Hiểu hoàn cảnh vất vả, sự chắt chiu của mẹ nên Cường luôn cố gắng học thật giỏi. Chàng thủ khoa học giỏi nhất là môn Toán. Năm lớp 12, cậu được giải 3 Toán cấp quốc gia, suốt 12 năm liền học sinh giỏi. Từ năm lớp 8, Cương đều giữ chức vụ lớp phó học tập của lớp.

Thủ khoa Bách khoa TP.HCM: 12 năm nhịn ăn sáng ảnh 2

Cường và mẹ bên căn nhà đơn sơ.

Thầy Phan Đăng Nhân, phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Tôi tiếp xúc với Cường từ năm lớp 10 và thấy em học đều các môn, đặc biệt có tố chất môn Toán. Không chỉ học giỏi, mà trong lớp Cường rất hoạt bát, hòa đồng, tham gia nhiều phong trào nhất là các giải bóng đá của trường”.

Chàng thủ khoa không ăn sáng

Theo lời thầy Nhân, vì nhà Cường rất nghèo nên nhà trường đã miễn học phí, vận động giúp đỡ gia đình em. “Có nhiều khi em không đủ áo ấm để mặc, sách vở cũng thiếu thốn. Vừa rồi, nhà trường cũng đã lo cho em được chiếc xe đạp để tiện đi lại”, thầy Nhân cho hay.

Nói về Cường, bà Trung buồn rầu kể: “Tôi thương cháu lắm, đi học về lại quần quần phụ mẹ lo đồng áng. Bữa ăn thì thiếu thốn, chủ yếu là rau nhà trồng được nên thân hình chỉ có 45 cân. Thương nhất là suốt 12 năm đi học, Cường không biết bữa sáng là gì. Tôi tủi cho cháu nên hay động viên con cố gắng chịu đựng”.

Thủ khoa Bách khoa TP.HCM: 12 năm nhịn ăn sáng ảnh 3

Sau giờ học, Cường phụ gia đình việc đồng áng.

Như để thanh minh cho lời của mẹ, Cường nói: “Thực ra có nhiều hôm cũng có cơm nguội nhưng do em nhịn ăn sáng quen rồi nên không quen ăn cơm. Bạn bè hay gọi em là “kim”, chắc do em nhỏ như cây kim”. Với chàng thủ khoa, việc học chỉ chiếm một phần. Cậu thường học bài vào buổi tối, còn sau giờ học thì lại dắt bò ra đồng, có khi thì gặt lúa, phơi thóc. Bữa nào đi học về sớm, Cường lại hái rau để nấu ăn.

Cường chọn thi vào ngành Kỹ thuật cơ – điện tử. Lý do chọn vì thấy mình hợp với điện tử, ở nhà Cường cũng hay sửa các món đồ điện gia dụng. “Ngoài ra em thấy ngành này vẫn thiếu nhân lực. Em chọn trường ở TP.HCM vì có anh chị ở trong đó”, chàng trai chia sẻ.

Đằng sau niềm vui thủ khoa, là cả một nỗi lo chuyện ăn học sắp tới của Cường của người mẹ nghèo đất Hà Tĩnh. Dù vậy, bà khẳng định vẫn sẽ phải cố gắng để cho cậu con trai út được ăn học tới nơi tới chốn. “Dù khó đến mấy tôi cũng cố lo cho con”, người mẹ nghèo bộc bạch.