Cuộc gặp gỡ bất ngờ với cô con dâu nóng nảy của môn đồ
Sujata là con dâu của Anathapindika – một đệ tử cư sĩ (tức là người không xuất gia) của Đức Phật. Trong cuốn Kinh Pali có ghi lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Đức Phật và Sujata, giúp cô gái thay đổi hoàn toàn.
Một hôm, Đức Phật tới thăm nhà của Anathapindika. Vừa bước vào đến cửa thì ngài nghe thấy tiếng la mắng người hầu kẻ hạ của Sujata, con dâu của ông Anathapindika.
Từ lâu, Đức Phật đã nghe nói về cách hành xử nóng nảy và thiếu tôn trọng với các thành viên trong gia đình nhà chồng của Sujta. Mọi người đã góp ý với cô nhiều lần, nhưng đều không có tác dụng.
Đức Phật liền cho gọi Sujata đến rồi hỏi cô gái rằng: “Con có biết trên đời có mấy kiểu người vợ không?”
Sujata lắc đầu, nói không biết.
Đức Phật nói, 3 kiểu vợ đầu tiên sẽ mang đến bất hạnh cho gia đình. (Ảnh minh họa: Internet)
Đức Phật nói, trên đời có 7 kiểu vợ, mà 3 kiểu đầu đều sẽ mang lại bất hạnh cho gia đình. Chỉ có 4 kiểu sau, người đàn ông nào phải có phúc phần lắm mới lấy được.
Sujata nghe thấy vậy, không kìm được tò mò, liền hỏi Đức Phật xem đó là những kiểu người vợ nào.
Đức Phật từ từ nói rằng, 7 kiểu vợ đó là:
Thứ nhất là kiểu vợ “phá hoại”: Là kẻ không có lòng trắc ẩn, sống ích kỷ, độc ác, không biết chăm sóc nhà cửa, con cái, coi thường chồng và thích ngoại tình.
Thứ 2, là kiểu vợ “kẻ cắp”: Lười biếng, chỉ biết tiêu pha, vơ vét tài sản của nhà chồng, không thật thà trong chuyện tiền nong.
Thứ 3 là kiểu vợ “bà chủ”: Luôn ăn nói theo kiểu bề trên, hỗn hào, thô lỗ, không coi chồng và gia đình chồng ra gì.
Còn 4 kiểu vợ sau cùng thì đàn ông may mắn lắm mới lấy được. (Ảnh minh họa: Internet)
Thứ 4, kiểu vợ “mẹ hiền”: Bản năng làm mẹ rất mạnh mẽ, luôn chăm sóc, lo lắng cho chồng giống như một đứa con của mình, vô cùng tốt bụng và quan tâm.
Thứ 5, kiểu vợ “em gái”: Luôn tôn trọng chồng giống như người anh của mình, nói năng, cư xử hòa nhã, khiêm tốn.
Thứ 6, kiểu vợ “bạn bè”: Luôn coi chồng là người bạn thân thiết, bình đẳng, luôn tâm sự với chồng cũng như biết lắng nghe tâm tư, tình cảm của chồng.
Thứ 7, kiểu vợ “nô lệ”: Nô lệ ở đây là một cách thậm xưng của kiểu người vợ coi chồng là tất cả, luôn yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc và hỗ trợ chồng trong mọi việc, từ chăm sóc con cái đến coi sóc nhà cửa, đối nội, đối ngoại.
Sau khi nghe Đức Phật nói những lời này, Sujata đã hiểu ra tất cả, và nói muốn trở thành kiểu vợ cuối cùng, hiền thục, nhẫn nại và luôn yêu thương, dịu dàng với chồng.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã giúp cô gái thay đổi theo một cách không ngờ, khiến người nhà cô vô cùng vui mừng.
Làm thế nào để có hôn nhân hạnh phúc?
Một người vợ tốt theo quan điểm của Đức Phật là người yêu thương chồng, biết chăm sóc con cái, nhà cửa, biết cách cư xử hòa nhã lịch sự với bạn bè, người thân của chồng và biết tiết kiệm, tích góp của cải cho những ngày khó khăn chứ không tiêu xài hoang phí.
Tuy nhiên, Đức Phật cho rằng để có một cuộc hôn nhân lý tưởng, hạnh phúc thì không chỉ có sự cố gắng từ một phía.
Nếu đã may mắn lấy được một người vợ tốt, người đàn ông cũng phải đối đãi thật tốt với vợ và điều này thể hiện cụ thể ở những điều sau:
Thứ nhất, luôn yêu thương, chăm chút cho vợ, nói năng cư xử lịch sự với vợ.
Thứ 2, luôn biết ơn những gì vợ làm cho gia đình.
Thứ 3, luôn chung thủy với vợ.
Thứ 4, đối xử bình đẳng với vợ trong các vấn đề gia đình.
Thứ 5, tặng quà cho vợ để thể hiện sự quan tâm.