Gia đình chị Phạm Thị Hạnh (Hà Nội) có con trai giành học bổng 100% vào Đại học Yale cách đây 6 năm và mới đây, con gái của chị cũng giành học bổng vào Harvard. Đây là hai đại học hàng đầu của Mỹ.
Hai con đều đỗ trường top đầu của Mỹ
Chia sẻ với phóng viên Dân trí sáng nay (15/12), chị Hạnh cho biết, gia đình chị rất bất ngờ và hạnh phúc khi được tin con gái thứ hai Lê Tuệ Chi, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) giành học bổng toàn phần vào Đại học Harvard.
“Hai vợ chồng tôi đều là công chức Nhà nước, không có truyền thống đi du học, cũng không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Sự cố gắng của các con là nỗ lực bền bỉ, lâu dài.
Không biết các gia đình khác dạy con ra sao nhưng chúng tôi không có chuyện ép các cháu học.
Tôi khuyên các con nên thả lỏng bản thân, đừng quá áp lực và đi ngủ sớm bởi các cháu hôm nào cũng tự học đến 1-2h sáng. Có khi giục đi ngủ, các cháu năn nỉ xin thêm mấy phút nữa thôi”, chị Hạnh nói.
Tuệ Chi (bên phải) và cô Đỗ Thị Ngọc Chi (bên trái), Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Ảnh: Thúy Nga).
Cũng theo chị Hạnh, cách đây 6 năm, con trai đầu của chị đỗ học bổng toàn phần vào Đại học Yale, một trong những trường đại học hàng đầu trong khối trường Ivy league (Mỹ).
“Con trai lớn của tôi rất ý thức, chỉn chu trong học hành. Lúc đó chúng tôi bảo, gia đình mình nghèo, các con phải có học bổng mới có thể du học.
Có lẽ hoàn cảnh gia đình như vậy, cháu định hướng tự lo cho bản thân, cấp 2,3 đều thi đỗ Trường Hà Nội – Amsterdam. Sau đó cháu giành học bổng vào Đại học Yale mà không mất tiền để học thêm.
Đến lượt cô con gái thứ hai, cháu cũng chủ động học tập và mới đây, con đã giành học bổng toàn phần vào Đại học Harvard”, chị Hạnh nói.
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí về việc dạy con, chị Hạnh cho rằng, mình không có bí quyết gì, có chăng là tình yêu thương lớn lao mà bố mẹ dành cho các con. Chúng tôi luôn ủng hộ con học hành, dầm dãi nắng mưa đưa đón các con đi học.
Riêng con trai đầu của chị không phải tốn tiền học thêm bên ngoài bởi học lực của cháu khá xuất sắc.
Với Tuệ Chi, cháu chỉ học thêm môn toán và tiếng Anh ở một trung tâm rất bình thường, số tiền học mỗi buổi rất rẻ.
Lê Tuệ Chi, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Thúy Nga).
Những câu chuyện xung quanh sẽ có ích cho cuộc sống của bạn
Chia sẻ với phóng viên ngay sau khi biết kết quả vào Đại học Harvard, Tuệ Chi cho biết, theo lịch khoảng 7h hôm nay (15/2), em sẽ biết kết quả đăng ký.
“Khoảng 4h em tỉnh dậy và không thể ngủ tiếp được nữa, trong đầu em lúc đó đặt ra hàng vạn câu hỏi, trằn trọc.
Em ngủ dậy, liên tục mở máy tính, đăng nhập tài khoản kiểm tra. Khi thấy thư chúc mừng, em sốc không khóc nổi. Cả nhà em vỡ òa, ôm chầm lấy nhau hét lên vui sướng bởi bất ngờ quá lớn”, Chi nhớ lại.
Được biết cấp 1 và 2 Chi đều không học trường chuyên. Cấp 1 em học Trường tiểu học Kim Liên, cấp 2 học Trường THCS Cầu Giấy. Vào cấp 3, Chi mới đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ.
Chi cho hay, nếu anh trai mình giỏi học thuật thì ngược lại, em thể hiện đam mê nhiều với nghệ thuật.
Quan trọng, em không thấy thành tích của anh trai mình là gánh nặng mà coi đó là động lực, là người hướng dẫn trong cuộc sống, học tập.
Cũng theo nữ sinh này, mặc dù bố mẹ em không phải dân du học nhưng đặc biệt là mẹ, luôn đồng hành trong việc học của các em mỗi ngày.
Tuệ Chi cùng cô giáo và các bạn chung lớp (Ảnh: Thúy Nga).
“Cảm giác được mẹ đồng hành, quan tâm đến chuyện học tập của các con bằng những việc rất nhỏ, khiến em hạnh phúc”, Tuệ Chi tâm sự.
Ngoài thành tích học tập top đầu ở trường, Chi thích làm phim, chụp ảnh, tham gia các hoạt động xã hội. Em từng làm dự án về phim ảnh nói về những mất mát trong chiến tranh.
Lý giải về bài luận của mình, Chi cho biết, em muốn thể hiện sự khám phá với cuộc sống xung quanh, những hình ảnh thường nhật ở mỗi khu phố.
Thông điệp em đưa ra sau bài luận này là càng nhiều và tiếp xúc càng nhiều, những câu chuyện của họ sẽ có ích cho cuộc đời của bạn.
Chia sẻ về cô học trò nhỏ Tuệ Chi, cô Đỗ Thị Ngọc Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho biết, cô từng có 2 năm chủ nhiệm lớp của em. Đây là học sinh có cá tính riêng biệt. Cô rất ấn tượng với nữ sinh này bởi trong một lớp vốn đã rất xuất sắc, Chi còn xuất sắc hơn.
“Tuệ Chi mộc mạc, thông minh, khiêm tốn, giản dị, hồn nhiên. Có lẽ bài luận của Chi được viết bằng cả trái tim nên có thể đó là một phần lý do khiến Harvard lựa chọn em”, cô Chi cho hay.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, Tuệ Chi không những học giỏi mà rất tự tin, nhiều tài lẻ như làm phim, làm diễn viên cho các tiểu phẩm… Cô trò nhà trường rất đỗi tự hào về nữ sinh này!
Lê Mạnh Linh Nam Sinh “Lập Hat-trick” Đỗ Cùng Lúc 3 Đại Học Ivy League Danh Tiếng Thế Giới
Lê Mạnh Linh (THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) là trường hợp học sinh Việt Nam hiếm hoi năm nay trúng tuyển cùng lúc 3 trường trong khối Ivy League danh giá, trong đó có Đại học Yale – xếp thứ 3 top các trường đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ, thuộc hạng “khó nhằn” nhất thế giới với gói hỗ trợ tài chính lên tới 292.000 USD (6,6 tỷ đồng).
Ngoài ra, Mạnh Linh còn được các trường đại học hàng đầu khác chấp nhận với các gói hỗ trợ tài chính “khủng” bao gồm: University of Pennsylvania (274.000 USD), Dartmouth College (260.000 USD), Amherst College (280.000 USD), trường Walsh School of Foreign Service của Georgetown University trụ sở tại Mỹ và Georgetown University trụ sở tại Qatar.
Lê Mạnh Linh là một trong những gương mặt học sinh Việt thành công nhất mùa tuyển sinh đại học quốc tế năm nay khi chinh phục thành công 3 trường đại học Ivy League, Mỹ.
Trong học tập, Mạnh Linh vô cùng chăm chỉ và xuất sắc. Em giành giải Nhì HSG Quốc gia môn tiếng Anh năm 2017, 2018; thủ khoa và giải Nhất thành phố môn tiếng Anh năm 2015, nhì thành phố năm 2017, 2018, Hạng Distinction (Đặc biệt) kì thi toán học Úc quốc tế (top của khối 10 tại Việt Nam) năm 2016.
Điểm chuẩn hóa của Linh là: 35/36 ACT, 800/800 các môn SAT 2 Toán, Lí, Hóa, 760/800 môn SAT 2 Sinh và 750/800 môn SAT 2 Văn, và đặc biệt là điểm tuyệt đối 120/120 ở bài thi TOEFL (tất cả đều ở lần thi đầu tiên).
Hoàn thiện bản thân qua các hoạt động ngoại khóa
Một trong những đề tài mà Mạnh Linh khai thác lớn nhất ở những bài luận phụ là ở sức mạnh của lời nói đối với con người, đặc biệt đối với bản thân em.
“Em từng gặp khó khăn rất nhiều trong việc diễn đạt thành lời cảm xúc và suy nghĩ của mình những năm đầu cấp 3, phần vì em có xu hướng nghĩ lâu và nghĩ sâu khi nói và viết, phần vì em có tật nói lắp.
Những lúc em phải nói là những lúc em cảm thấy rất không thoải mái, vì em dường như không thể đơn giản hóa những suy nghĩ trong đầu mình và mạch lạc diễn đạt nó thành lời – đến mức có thầy giáo đã từng nói với em rằng “tôi thà nói chuyện với người chết còn hơn nghe em nói”, Mạnh Linh tâm sự.
Chính việc tích cực lăn xả vào các hoạt động vì cộng đồng đã giúp bản thân Linh thay đổi. Mạnh Linh hiện là Tổng thư kí năm thứ hai liên tiếp của IVMUN (mô hình học sinh phổ thông đóng vai trò đại biểu Liên Hợp Quốc).
Riêng IVMUN có lẽ đã là nơi chứng kiến sự phát triển trong con người em nhiều nhất, nó là cái nôi cho em học về trình bày ý tưởng, cơ chế ngoại giao và quan hệ quốc tế, cũng như vai trò lãnh đạo và điều phối công việc, kĩ năng thiết kế website, mở rộng mối quan hệ vươn ra ngoài Việt Nam.
“Sau mỗi lần diễn thuyết tại các phiên họp của IVMUN nhìn thấy những nét mặt ngạc nhiên của mọi người khi được biết người trình bày các vấn đề về bảo an liên hiệp quốc, kinh tế dầu mỏ thế giới, tranh chấp hàng hải,… trôi chảy bằng tiếng Anh là học sinh trung học cũng là động lực để em tiếp tục phát triển tiếng nói của giới trẻ, nâng cao cộng đồng MUN tại Việt Nam, và cố gắng không ngừng để hoàn thiện khả năng ngôn ngữ của mình”, Linh chia sẻ.
Em còn là Chủ tịch Hanoi-Amsterdam Model United Nations Association nhiệm kì 2016-2017; sáng lập viên và điều phối viên cho Hanoi-Amsterdam International Relations Society; Chủ tọa và trưởng phái đoàn tham dự UNIS MUN IX (chủ tọa đầu tiên đến từ một trường công lập tại Việt Nam); Phó ban nội dung và Chủ tọa hội đồng tại United Nations Vietnam Model Conference 2016; Trưởng ban Hậu cần Ams Got Talent 9; trưởng Ban Tổ chức Pandorams 2016;…
Linh năng nổ tham gia hoạt động cộng đồng để hoàn thiện bản thân.
“Em nghĩ rằng, những hoạt động với Model United Nations, với UNICEF Vietnam hay chính với bản thân khi em viết tiểu kí hay ôn thi HSG Quốc gia, đã giúp em rất nhiều trong việc nhận ra sức mạnh tiềm tàng của câu chữ”, Linh chia sẻ thêm.
Theo nam sinh Hà Nội, một điều quan trọng trong việc học tập, phát triển tư duy nói chung hay muốn tìm định hướng để đi học đại học nói riêng là việc phải biết hiểu rõ mình cần gì, muốn gì, và có gì, cũng như là phải vững lòng. Nếu một người biết vững tin, biết đề ra phương hướng phát triển cho cá nhân, biết tự giác và có sự thành thật với bản thân mình cũng như tự cải thiện thì thành công sẽ nằm trong tầm tay.
Thấu hiểu để nhân lên lòng tin và sức mạnh
Mạnh Linh cho rằng, một trong những điểm mạnh của bản thân mà đồng thời em muốn đề cao ở xã hội hiện nay đó chính là sự thấu hiểu. Sự thấu hiểu đến từ việc cố gắng hiểu suy nghĩ của nhau, hiểu hoàn cảnh của nhau, từ việc dám sẻ chia và thảo luận để có thể đưa ra những hướng đi chung, khi con người đã hiểu nhau và hợp tác thì sức mạnh sẽ được nhân lên.
Ở bài luận chính, Linh nói về việc em phát hiện ra những sự khác biệt về phong cách sống, quan niệm sống trong những thế hệ của gia đình em do ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, xã hội trong từng thời kỳ nhưng có cái chung đó là luôn đặt các sự việc trong sự thấu hiểu, tiếp thu chọn lọc những mặt tích cực làm cơ sở hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Linh mở triển lãm ảnh “Young 4 Old”.
“Em đề cao ở bản thân sự tìm tòi và tính hay quan sát, để ý (observance). Bài luận em viết đầu tiên, dài nhất và tâm đắc nhất, nói về việc em đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị qua những sự việc mọi người cho là bình thường đó là những chuyến tàu vào những năm em còn nhỏ mà nhà em “buộc” phải đi vì nó là lựa chọn đáp ứng tiêu chí của gia đình là “rẻ nhất và dễ nhất” (vì bố em là nhân viên làm việc tại Đường sắt Việt Nam).
Chính những chuyến tàu này đã dạy cho em những bài học về tâm lí đám đông hay hợp tác Liên Xô – Việt Nam thời chiến tranh chống Mĩ, hay tiếng tàu theo nhịp ba phách cho em nhận thức về nhịp điệu trong nhạc lí và thơ nước ngoài.
Nếu như con tàu hỏa Việt Nam gặp phải những khó khăn để nâng cấp sẽ tạo ra sự ồn ào, hình thức thô kệch thì đây lại là nguồn cảm hứng viết các tiểu ký, thơ của một đứa trẻ, mà chính từ đó hình thành nền tảng kiến thức, nhân cách của em.
Em nghĩ rằng sự tìm tòi và tính hữu dụng thôi thúc em luôn phải sáng tạo và chọn lọc với những thứ dường như tầm thường xung quanh, để mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, em đều có thể dùng tư duy của mình để phát triển”, Linh nói.
Yêu thích đại học Yale từ lâu, khi tìm hiểm cho thấy tại đây có môi trường sống và học tập rất tốt, cộng thêm sự nhiệt tình hướng dẫn trong thời gian một tháng cân nhắc lựa chọn vừa qua, Linh càng cảm thấy chắc chắn với lựa chọn điểm đến của mình.
“Đặc biệt đọc dòng thư tay của đại diện tuyển sinh nói rằng họ đề cao lối nghĩ đa chiều, sâu sắc của em khiến em vô cùng cảm động và đánh giá rất cao sự quan tâm của trường đại học Yale đối với mình”, nam sinh chia ser.
Dự định hiện tại của em là có thể kết hợp học hai ngành học – Quan hệ quốc tế và Công nghệ hóa sinh. Đặc biệt, ở Yale có một ngành học đặc thù kết hợp tìm hiểu Luân lý học, Chính trị học, Kinh tế học, và có lẽ đây cũng sẽ là một trong những cân nhắc lựa chọn của em sau này.
Tân sinh viên Việt tại ĐH Yale khái quát hóa đam mê bản thân bằng hai từ là kiến thức và ảnh hưởng. Do vậy, Mạnh Linh ấp ủ nhiều kế hoạch cho bản thân sau đại học: có thể sẽ là học tiếp đến bậc cao học về một lĩnh vực khoa học xã hội, cũng có thể là sẽ hoạt động xã hội dưới tư cách một cơ quan phi chính phủ hay một nhà báo. Quan trọng hơn hết là em muốn làm hoạt động gì đó mang tính cộng đồng và phát triển bền vững.
Chị Phạm Hạnh – mẹ Mạnh Linh chia sẻ: “Trong gia đình hai bên nội, ngoại chưa có thành viên nào đi du học sớm, hơn nữa tài chính eo hẹp do đó trong tư tưởng của bố mẹ luôn xác định nếu không được trường đại học Mỹ chấp nhận thì con sẽ học đại học tại Việt Nam.
Chỉ đến khi xem lại hồ sơ apply của con, mình mới nhận thấy có lẽ Linh đã chuẩn bị hồ sơ du học từ những năm cuối cấp 2 như cháu đã viết các tập ký sự, thơ bằng tiếng Anh, chuyển mục đích từ chuyên Toán/chuyên Hóa sang chuyên Anh, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị … trong suốt 2 năm lớp 10, 11 song song với công việc học tập Linh đã thực hiện các công việc như thi các chứng chỉ, hoạt động ngoại khóa để đến đầu năm lớp 12 sẽ tập trung viết luận. Nhìn chung toàn bộ việc apply các trường đại học Mỹ đều do Linh tự tìm kiếm và thực hiện”.
Mạnh Linh bên gia đình.
Vì thương bố mẹ, Linh thường tự học hoặc cố gắng tìm các khóa học với chi phí thấp để bố mẹ đỡ vất vả. Ngoài ra Linh cũng đảm nhận hoàn toàn việc hướng dẫn học cho em gái. Ở lớp, em hòa đồng và luôn quan tâm đến các bạn, nhiều phụ huynh thường xuyên hỏi thông tin các bạn qua Linh nên em được đặt biệt danh “trưởng ban liên lạc học sinh”.
Đại học Yale nằm ở New Haven, bang Connecticut (Mỹ) là đại học lâu đời thứ 3 ở Mỹ và là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới có tỉ lệ tân sinh viên được chấp nhận thấp nhất trong tất cả các trường của Ivy League với 6% trong tổng số 35,306 hồ sơ đăng kí.
Nhiều tài năng xuất chúng đã từng học ở ngôi trường này, như Forrest Mars Jr. và John Mars – nhà sáng lập hãng socola Mars; MacMillan Jr. và Whitney MacMillan – đứng đầu tập đoàn hàng đầu Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Đặc biệt, Yale là nơi sản sinh ra rất nhiều Tổng thống Mỹ. Các vị tổng thống Mỹ đã từng tốt nghiệp tại Yale gồm: Gerald Ford, George H. W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush.